Lãnh đạo các doanh nghiệp môi giới lớn đều thống nhất quan điểm đây là giai đoạn để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường và tệp khách hàng nhằm tạo nguồn thu mới. Các doanh nghiệp môi giới bất động sản đang gặp khó cả về nguồn thu nhập mới lẫn thu hồi công nợ cũ.
Theo ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group – cho biết mới đây đã cho công ty chuyển chế độ từ “thắt lưng buộc bụng” đến “nếm mật nằm gai”, tức cam go hơn, khó khăn hơn, cần sự bền bỉ, kiên trì hơn.
Dù vậy, ông nhấn mạnh mối quan hệ giữa môi giới và chủ đầu tư là đôi bên cùng có lợi. Do đó, mỗi bên cần hiểu và thông cảm cho nhau, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, thay vì tập trung chỉ trích, “bóc phốt”, ảnh hưởng đến niềm tin chung của thị trường.
Với CBRE Việt Nam, Tổng giám đốc Đặng Phương Hằng cho hay thời điểm này có sự xem xét, chọn lọc sản phẩm rất kỹ, chỉ hướng đến những sản phẩm có pháp lý rõ ràng và chủ đầu tư uy tín, có khả năng thu hồi công nợ.
Đặc biệt, đơn vị này đang mở rộng sang thị trường thứ cấp nơi ghi nhận giao dịch tương đối ổn định.
Bên cạnh đó là tệp khách hàng mua để đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Bà cho biết đây vốn là thế mạnh của CBRE, tuy nhiên do giá bất động sản khu vực TP.HCM đã ở mức cao nên không còn hấp dẫn. Khách nước ngoài đang nhắm đến các sản phẩm ở phía Bắc, nơi có nguồn cung lớn hơn và giá hấp dẫn hơn.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cũng nhấn mạnh nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn rất mạnh, vấn đề là các doanh nghiệp và môi giới có thể kích thích nhu cầu đó hay không.
Đơn cử, một doanh nghiệp đang thu hút được nhiều khách nước ngoài đến thuê căn hộ ở Nha Trang vừa để nghỉ dưỡng mà vẫn có thể làm việc từ xa, với chi phí chỉ vài trăm USD mỗi tháng. Khách hàng đến từ những quốc gia phát triển, áp dụng rộng rãi hình thức làm việc trực tuyến.
“Chúng ta có thể tìm kiếm khách hàng mới, tìm thị trường ngách, như nhà phố trong các khu dân cư, các bất động sản cho thuê như mặt bằng, văn phòng, đặc biệt cho thuê bất động sản công nghiệp – vốn rất tiềm năng nhưng lâu nay chúng ta ít quan tâm khai thác…”, ông Đính nêu.
Thực tế, một khảo sát của VARS cho thấy nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn, 23% số doanh nghiệp được khảo sát sẽ phá sản sau quý III, 43% chỉ trụ được đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, số ít doanh nghiệp kinh doanh ở mảng cho thuê vẫn ghi nhận mức doanh thu tốt trong quý đầu năm, thậm chí tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 150% so với cuối năm 2022.
Bà Đặng Phương Hằng cho rằng vẫn có cơ hội trong nguy cơ, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải xây dựng được đội ngũ môi giới chất lượng, tạo được niềm tin với khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm nhấn mạnh đây là lúc môi giới nhìn nhận lại bản thân có thực sự yêu nghề và muốn gắn bó nghiêm túc với nghề hay không. Nếu có thì trong giai đoạn khó khăn này, môi giới có thể tận dụng để trò chuyện, chăm sóc khách hàng cũ.
Tổng Hợp
(Zing)