Cơn sóng ngầm đổi chủ dự án hoặc tái cơ cấu cổ đông đang lan rộng trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp địa ốc đã phải thực hiện hàng loạt giải pháp cấp bách nhằm “tự cứu mình”.
Trong bối cảnh thị trường địa ốc vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, tình hình M&A bất động sản thời gian gần đây có phần sôi động hơn.
Trước đó, Tập đoàn bất động sản có trụ sở tại Singapore Keppel công bố thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) tại hai dự án ở TP Thủ Đức, TP.HCM với tổng giá trị ước tính trên 187 triệu SGD. Giao dịch dự kiến được hoàn thành trong năm nay.
Hoặc, Công ty CP Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, HoSE: SGR) cũng cho biết đã ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng cụm dự án gồm Chung cư An Phú Riverview (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức); Chung cư An Phú Residences (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside và nhận ký quỹ hơn 152 tỷ đồng từ đối tác trong năm 2022.
Xa hơn nữa, hồi đầu năm, “ông lớn” Phát Đạt cũng quyết định chuyển nhượng 89% cổ phần tại Công ty CP địa ốc Hòa Bình – Công ty con sở hữu dự án 197 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chỉ sau 5 tháng “thâu tóm” nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tất toán trái phiếu trước hạn.
Không chỉ M&A dự án, một số DN địa ốc khác tìm cách tái cơ cấu cổ đông để tránh khủng hoảng.
Mới nhất, Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính Lâm Đồng về việc xin tiếp tục được quản lý dự án King Palace. Lý do Hoàn Cầu Đà Lạt đưa ra đề xuất được kéo dài thời gian bàn giao, tiếp tục quản lý hoạt động dự án, tránh để xuống cấp do không được duy tu bảo trì hằng ngày và giải quyết việc làm cho 60 lao động đang làm việc tại dự án. Hoàn Cầu Đà Lạt cam kết bàn giao ngay khi dự án có nhà đầu tư mới.
Dự án King Palace bị thu hồi giấy phép từ cuối năm 2022 do vướng nhiều sai phạm về đất đai sau kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Động thái xin gia hạn để tìm kiếm nhà đầu tư mới nhận chuyển nhượng là có thể hiểu được khi Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt đang kinh doanh thua lỗ trầm trọng.
Cụ thể, Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt thành lập năm 2015. Tới ngày 26/6/2018, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 100 tỷ đồng. Nhưng tại ngày 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 80,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do năm 2018, Hoàn Cầu Đà Lạt thua lỗ 11,7 tỷ đồng. Bước sang năm 2020 và 2021, do lỗ thêm 3,5 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu Công ty giảm xuống chỉ còn 78,5 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021.
Trong khi vốn chủ sở hữu bị “bào mòn” bởi những khoản thua lỗ, thì khoản nợ phải trả của Công ty lại ở mức cao ngất. Cụ thể, năm 2017 khoản nợ phải trả của công ty là 641 tỷ đồng, năm 2018 (656 tỷ đồng), năm 2019 (666 tỷ đồng) và năm 2020 (675 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ tại Hoàn Cầu Đà Lạt lên đến 605 tỷ đồng, cao gấp 7,7 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu.
Theo các chuyên gia, hiện nay các DN bất động sản đang gặp khó về dòng tiền, vướng mắc thủ tục đầu tư, pháp lý kéo dài, thanh khoản sụt giảm, điều kiện vay vốn ngày càng khó khăn… khiến DN phải tính đến việc bán một phần hoặc toàn bộ dự án. Đây cũng là hướng đi giúp các DN có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể, nhưng quan trọng hơn là có “dòng máu” để tiếp tục triển khai các dự án khác.
Trong khi đó, dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia,… Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mới chỉ đang trong quá trình thẩm định, đàm phán.
Các nhóm nhà đầu tư nước ngoài đang ưu tiên những dự án pháp lý sạch, có vị trí đẹp, có tiềm năng trong tương lai với giá bán giảm 10-20%. Trong khi đó, DN nội rất khó chấp nhận bán tài sản với giá rẻ sau khi đã bỏ rất nhiều công sức và chi phí cho việc tạo lập quỹ đất, dự án, thực hiện pháp lý.
Một phần nguyên nhân khác dẫn đến hai bên không chốt được thương vụ do nhiều chủ đầu tư dự án vẫn “tiếc”, đặt kỳ vọng quá cao nên đưa ra mức giá chưa thật sự thuyết phục.
Tổng Hợp
(Dân Việt)