Thời gian qua, các tổ chức kinh tế “dồn dập” gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Thống kê cho thấy giai đoạn tháng 3 – tháng 6/2021, nhóm này đã gửi ròng tới gần 400.000 tỷ đồng vào hệ thống, sau đó doanh nghiệp rút ròng khoảng 160.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm.
Tháng 7/2021, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại TP. HCM nói riêng và các tỉnh miền nam nói chung, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy các tổ chức kinh tế đã bắt đầu rút ròng tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Mức rút ròng trong tháng vào khoảng 25.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư vào hệ thống chỉ tăng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng trong tháng 7, phần nào cho thấy mức độ quan tâm của người dân đối với kênh gửi tiền tiết kiệm chưa được cải thiện trong bối cảnh thu nhập chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch và lãi suất vẫn ở mức thấp. Chốt tháng 7/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 4,25% so với đầu năm, lên 5,09 triệu tỷ đồng; tiền gửi của dân cư tăng 2,97%, lên 5,29 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền gửi khách hàng trong hệ thống ngân hàng tăng 3,59% lên 10,38 triệu tỷ đồng. Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng dư nợ tín dụng 7 tháng cao hơn đáng kể tăng trưởng tiền gửi khách hàng, đạt 6,92%, lên 9,83 triệu tỷ đồng.
Dư nợ ngành công nghiệp tăng cao nhất với 9,95%. Tiếp đó là ngành thương mại với 8,71%, các hoạt động dịch vụ khác với 7,12%. Dư nợ ngành vận tải và viễn thông tăng khá khiêm tốn, chỉ 3,81%; kế đó là nông, lâm, thủy sản với 2,06%. Ngành xây dựng tăng rất thấp, chỉ 0,84%.
Tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021 theo đó đạt mức khá cao là 4,78%. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư vào hệ thống lại chỉ tăng 2,94%, thấp hơn các tổ chức kinh tế. Đây là một “hiện tượng lạ” nếu so với những năm trước đây.
Diễn biến này được cho là chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch Covid-19, khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực còn lãi suất tiền gửi thì quá thấp khiến dòng tiền cá nhân “chảy” sang kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, đặc biệt là kênh chứng khoán (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và thanh khoản đều tăng vọt gấp nhiều lần trước đây). Về phía tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có xu hướng gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để “phòng thủ” trong bối cảnh khó lường của dịch Covid-19.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 5/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,03 triệu tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm ngoái. Song song, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,27 triệu tỷ đồng, tăng 2,6%. Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,05%, trong khi tiền gửi của dân cư tăng 2,34%. Như vậy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã bứt phá rất mạnh trong tháng 5. Tính ra chỉ riêng trong tháng này, các tổ chức kinh tế đã gửi thêm ròng tới 59.121 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi thêm ròng vào hệ thống trong tháng.
Việc các tổ chức kinh tế “dồn dập” gửi tiền vào ngân hàng càng gây ấn tượng mạnh nếu nhìn lại số liệu 2 tháng đầu năm nay, khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm tới 3,32% (trong khi đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,37%). Vị thế đã hoàn toàn đảo chiều vào cuối tháng 5/2021 khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn nhiều tiền gửi của dân cư. Đây cũng là hiện tượng “lạ” nếu nhìn vào quá khứ. Suốt từ năm 2015 đến năm 2020, 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư luôn lớn hơn tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)