FLC Faros sẽ cần tổ chức đại hội bất thường lần 2 với số cổ phần tối thiểu là 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Các cổ phiếu họ FLC đang trải qua chuỗi ngày khó khăn…
Nếu đại hội lần 2 vẫn bất thành, FLC Faros sẽ cần tổ chức đại hội lần 3 mà không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
Các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC diễn biến bất lợi sau khi AMD bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo đưa vào diện cảnh báo từ ngày 21/9. Lý do là doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã soát xét. Trong khi đó, ART và KLF cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo.
Cùng một lý do vi phạm công bố thông tin, ROS bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE, FLC và HAI bị đình chỉ giao dịch, GAB bị cảnh báo. Như vậy, toàn bộ 7 cổ phiếu “họ” FLC đều bị xử lý vi phạm.
Trong một diễn biến khác, sáng nay (15/9), Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị và 2 thành viên Ban Kiểm soát thay thế cho các nhân sự đã từ nhiệm hoặc không còn đủ điều kiện nắm giữ chức vụ. Đại hội cũng dự kiến chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022. Tuy nhiên, phiên họp bất thường này đã không đủ điều kiện tiến hành do không đủ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Cho đến phiên hôm nay, trong nhóm cổ phiếu “họ” FLC chỉ còn 3 mã giao dịch là AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, ART của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và KLF của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu CFS.
Trong khi KLF giảm sàn về mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu thì AMD giảm 4,1% còn 2.110 đồng/cổ phiếu và ART giảm 5,7% còn 3.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC mất thanh khoản.
Ngày 13/9 vừa rồi, tập đoàn này đã nhận được Quyết định số 44135 ngày 8/9/2022 của Cục Thuế Thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh Quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Cụ thể, đơn vị này quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với Tập đoàn FLC. Lý do cưỡng chế được cho biết là doanh nghiệp có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Theo đó, FLC bị Cục Thuế TP Hà Nội cưỡng chế tổng cộng 325,78 tỷ đồng.
Ngày 4/8, FLC cũng đã nhận tới 9 quyết định từ Cục Thuế TP Hà Nội, trong đó, có 8 quyết định cưỡng chế thuế với FLC thông qua trích tiền/phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, OCB, VIB chi nhánh quận 1 TPHCM, VPBank. Tổng số tiền bị cưỡng chế là 71,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FLC còn bị phạt tiền 11,5 triệu đồng do nộp chậm tờ khai thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, ngày 1/8, cũng đã có 3 thông báo về quyết định cưỡng chế thuế của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình gửi tới FLC với số tiền 223,6 tỷ đồng.
Tổng Hợp