Cần sử dụng công cụ thuế để điều tiết các hành vi như đầu cơ, điều tiết các phần giá trị gia tăng không phải do cá nhân người sử dụng đất mang lại. Các chuyên gia cho rằng cần sử dụng công cụ thuế để điều tiết hành vi găm hàng, đầu cơ đất đai…
Thời gian qua, theo đánh giá, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp thực tiễn, chưa giải quyết được triệt để hàng loạt vấn đề. Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao, trên 60% trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục, từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Cùng với đó, hệ luỵ từ đầu cơ đất đai, “chôn” tiền vào đất cũng gây ra nhiều lo ngại.
Chia sẻ tại hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 30/8, các chuyên gia cho rằng, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 dù đạt được những kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại, bất cập. Những đề xuất sử dụng công cụ thuế để điều tiết các hành vi như đầu cơ, điều tiết các phần giá trị gia tăng không phải do cá nhân người sử dụng đất mang lại do Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân đề cập, dành được nhiều sự quan tâm tại hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo về những bất ổn khi thực hiện chính sách đất đai thời gian qua, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tình trạng phổ biến hiện nay là người dân đổ tiền vào đất để chờ tăng giá, mua đất đón trước chờ quy hoạch, chờ dự án triển khai, làm sai lệch thị trường đất đai và một nguồn vốn khổng lồ chôn vào đất. Ông Hoàng Văn Cường khẳng định cần phải tập trung xử lý hành vi đầu cơ, cố tình kiếm lời nhờ vào việc mua đi, bán lại đất đai, nhà ở, khi đó, không chỉ mang lại nguồn thu cho nhà nước và quan trọng hơn là điều tiết hành vi sử dụng đất.
Cùng với đó sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể thực hiện được giấc mộng an cư, thay vì như hiện nay, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao. Nhà nước bỏ tiền đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, người dân nhận tiền đền bù, phải di dời trước lại chịu thiệt thòi trong khi người ở lại được hưởng lợi từ giá đất tăng cao, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và diện mạo đô thị không được cải thiện.
Đáng quan ngại, các dự án thu hồi đất, đặc biệt thu hồi đất nông nghiệp, trả tiền đền bù cho người dân với giá rẻ hơn rất nhiều lần so với giá thị trường.
“Sau khi Nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích, xây dựng thành những toà cao ốc, dự án trung tâm thương mại, nhà ở, giá trị tăng lên rất nhiều lần. Phần giá trị tăng gấp nhiều lần, ai sẽ là người hưởng lợi?”, ông Cường đặt câu hỏi.
Còn theo chia sẻ của ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường, một trong những vướng mắc cần giải quyết triệt để khi sửa đổi Luật Đất đai là tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan.
“Qua rà soát các quy định pháp luật có liên quan, có tới 122 luật liên quan đến đất đai nên rất khó cho công tác tổ chức thực hiện. Có tình trạng khi áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và ngược lại”, ông Mai Văn Phấn nói.
Chính vì vậy, cần bám sát định hướng từ Nghị quyết 18 để khi sửa Luật Đất đai, sẽ cơ bản giải quyết bài toán này và nhờ đó, tổ chức thực hiện mới suôn sẻ.
Tổng Hợp