Trên thực tế, từ việc hạ lãi suất huy động đến việc cân đối hạ mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ có độ trễ, nhưng các thông tin này vẫn giúp tâm lý thị trường ổn định hơn, đồng thời được kỳ vọng sẽ thổi hơi ấm cho thị trường bất động sản.
Trong công điện mới đây về tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Trên thực tế, từ việc hạ lãi suất huy động đến việc cân đối hạ mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ có độ trễ, nhưng các thông tin này vẫn giúp tâm lý thị trường ổn định hơn, đồng thời được kỳ vọng sẽ thổi hơi ấm cho thị trường bất động sản. Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, sau thời gian “chạm đáy” về thanh khoản, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều chủ đầu tư đồng loạt tung hàng để đón đầu nhu cầu thị trường.
Theo đại diện Tập đoàn Nam Long, người mua có nhu cầu thực vẫn giữ niềm tin vào thị trường và dự án tốt. Tâm lý nghi ngại, lo lắng đã giảm bớt, người mua thích ứng với tình hình mới và không ngần ngại xuống tiền nếu đó là sản phẩm họ tin tưởng. Vị này cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Nam Long ghi nhận doanh số bán hàng đạt gần 500 tỷ đồng từ các dự án Mizuki Park, Akari City và Waterpoint. Bên cạnh đó, một số phân khu thành phần của những dự án này tiếp tục được cấp phép xây dựng.
Tương tự, chủ đầu tư dự án Bcons cho hay, hoạt động bán hàng tại dự án ở Bình Dương vẫn khá đều đặn, trung bình mỗi tuần bán thành công từ 5-7 căn hộ. Hay tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), chương trình giới thiệu căn hộ tại dự án Fiato City của Công ty Thang Long Real đã có hàng trăm khách hàng đến tìm hiểu…
Những kết quả trên tuy còn khiêm tốn so với giai đoạn trước dịch, nhưng là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thanh khoản trì trệ kéo dài suốt thời gian qua. Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ sớm có tín hiệu khởi sắc cả về nguồn cung và lượng giao dịch.
Chẳng hạn, ở phân khúc đất nền, DKRA Việt Nam dự báo nguồn cung trong quý II/2023 tăng nhẹ so với quý trước đó, dao động trong khoảng 450-600 nền đất, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang để kích cầu thị trường.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới quý II/2023 tại TP.HCM có thể tăng gấp đôi so với quý trước đó, ở mức khoảng 2.000-2.500 căn mở bán mới, còn tại Bình Dương vào khoảng 500-1.000 căn, Long An khoảng 200 căn và Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 350 căn mở bán mới.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group cho rằng, thị trường bất động sản đang xuất hiện tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), nhưng là ở phía người bán khi các chủ đầu tư đang tận dụng giai đoạn có nhiều yếu tố hỗ trợ để ra hàng, đón đầu sức mua. Nhu cầu về bất động sản có dấu hiệu tăng trở lại là tin vui với doanh nghiệp, mang đến cơ hội cải thiện thanh khoản cũng như dòng tiền.
“Lãi suất cho vay có dư địa giảm là một tín hiệu tích cực, được ví như một làn gió mát thổi vào thị trường vốn, từ đó giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính cho cả bên mua lẫn bên bán. Các chủ đầu tư cũng tận dụng thông tin này để bung hàng ra thị trường, cho dù còn ở diện ‘dò đá qua sông’”, ông Thắng nhận xét.
Cùng với động thái hạ lãi suất của cơ quan điều hành, việc nhiều dự án lớn tại TP.HCM và các địa phương lân cận được gỡ vướng pháp lý cũng phần nào giảm bớt áp lực cho các chủ đầu tư và thị trường địa ốc.
Một trong những doanh nghiệp nhận được sự chú ý trên thị trường với nhiều dự án đang được gỡ vướng là Novaland. Giữa tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm việc trực tiếp với ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland về đề nghị khẩn cấp tháo gỡ vướng mắc tại các dự án của doanh nghiệp này ở Đồng Nai, theo công văn của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Được biết, 2 năm qua Novaland không thể hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng để kinh doanh các dự án do công tác phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bị kéo dài. Hiện tại, vướng mắc tại các dự án này có nguyên nhân từ sự không đồng bộ các quy hoạch chung TP. Biên Hòa, quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết từng dự án.
Đại diện Novaland cho biết, ngoài dự án ở Đồng Nai, trước đó cũng đã được tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án ở TP.HCM. Mới nhất, Novaland đã ký kết biên bản thỏa thuận với MBBank và các công ty xây dựng triển khai phân kỳ Habana Island và Wonderland tại dự án NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu) và dự án NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận).
Theo các chuyên gia, dù chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn, nhưng động thái gỡ vướng pháp lý cho các dự án ở nhiều địa phương không chỉ đem đến hy vọng cho Novaland, mà còn cho nhiều chủ đầu tư khác. Rổ hàng khổng lồ từ các dự án tại Phan Thiết, Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ sở để Novaland sẵn sàng trở lại cuộc đua bán hàng trong thời gian tới.
Ngoài Novaland, nhiều chủ đầu tư khác sau thời gian nghe ngóng cũng bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường. Chẳng hạn, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc chuẩn bị chào bán dòng sản phẩm căn hộ cao cấp tại Khu đô thị Vạn Phúc City (TP. Thủ Đức) với giá bán dự kiến khoảng 100 triệu đồng/m2. Cách đó không xa, chủ đầu tư Rioland cũng rục rịch triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án MT Eastmark City sau 2 giai đoạn mở bán thành công trước đó.
Theo phó tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tầm trung tại TP.HCM, mặc dù cũng đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian này, nhưng doanh nghiệp ông không kỳ vọng quá nhiều do nhu cầu bất động sản hiện vẫn khá hạn chế.
“Dẫu vậy, điểm tích cực là tâm lý người mua hiện ổn định hơn so với hồi đầu năm, đây là yếu tố rất quan trọng đối với thị trường bất động sản. Do đó, kỳ vọng sức cầu sẽ cải thiện rõ nét hơn vào cuối năm nay, khi các chính sách tín dụng, lãi suất… được thẩm thấu”, vị phó tổng giám đốc trên nói.
Tổng Hợp
(ĐTCK)