Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn…
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận thấy, nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước công nghiệp phát triển, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Pháp… đều có chính sách nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Với vai trò chủ đạo, Nhà nước ban hành các “chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện”, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi dài hạn, để thực hiện các dự án nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, kể cả cho người có thu nhập trung bình.
Ở các nước, hình thức phổ biến nhất là loại nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội bán trả góp dài hạn 20-30 năm, nhưng không có loại nhà ở xã hội bán thu tiền ngay như ở nước ta. Loại nhà ở xã hội bán thu tiền ngay như ở nước ta thì các nước coi đó là loại nhà ở thương mại giá thấp.
Tại Hàn Quốc có 5 loại hình “căn hộ công” cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền thế chân khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm, 30 năm, 20 năm; 5-10 năm).
Còn tại Singapore đã thực hiện thành công chính sách nhà ở xã hội thông qua Ủy ban phát triển nhà ở (HDB), theo hình thức thuê hoặc mua trả góp dài hạn nhà ở xã hội (từ 1-5 phòng ngủ) trong các khu nhà cao tầng có đầy đủ các tiện ích và dịch vụ, thân thiện môi trường. Hiện nay, đã có đến 90% dân số Singapore sống trong các dự án nhà ở xã hội và chủ sở hữu có quyền bán lại nhà, tương tự chính sách nhà ở xã hội của nước ta.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019, cả nước có hơn 96,2 triệu dân, với tốc độ tăng khoảng 1 triệu người mỗi năm. TPHCM có hơn 8,9 triệu người (bao gồm cả người có đăng ký tạm trú từ 06 tháng trở lên).
Nhưng, dân số thực tế của TPHCM lên đến khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và khách vãng lai. Tốc độ tăng dân số rất cao, tỷ lệ tăng bình quân 2,28%/năm trong 10 năm qua (cao gấp đôi mức tăng dân số bình quân 1,14% của cả nước). Bình quân cứ mỗi 5 năm tăng thêm khoảng 1 triệu người. Mỗi năm tăng gần 200.000 người, trong đó, tăng cơ học khoảng 140.000 người, tăng tự nhiên với khoảng trên dưới 60.000 cháu chào đời/năm.
Hiện nay, TPHCM có hơn 2,5 triệu hộ gia đình, tăng 1,4 lần so với năm 2009. Trong đó, quy mô hộ gia đình hai thế hệ (cha mẹ và con cái) có từ 2-4 người chiếm tỷ lệ cao nhất, đến 66,4%; Tỷ lệ hộ gia đình có 1 người (hộ độc thân) cũng chiếm đến 7,42% tổng số hộ. Như vậy, số lượng hộ có từ 1-4 người chiếm đến 73,82% tổng số hộ gia đình. Bên cạnh đó, hàng năm thành phố có khoảng 50.000 cặp kết hôn có nhu cầu tạo lập nhà ở riêng.
HoREA còn cho biết thêm, trong cơ cấu dân cư đô thị nước ta, người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị chiếm tỷ lệ lên đến khoảng 80%, có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là loại nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đối với người nhập cư, nhất là công nhân, lao động thì có nhu cầu cao về nhà trọ, phòng trọ giá rẻ.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng năm 2016, tỷ lệ nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1% và tỷ lệ nhà ở đơn sơ vẫn còn 0,7% tổng số nhà ở. Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng năm 2018, toàn thành phố có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người.
Còn theo khảo sát của GS.TS Nguyễn Thị Hồng Xoan (Đại học Khoa học xã hội nhân văn) thì số lượng nhà có diện tích dưới 60m2/căn chiếm tỷ lệ đến 82% trong tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố, như sau: Nhà 5-10m2 chiếm 4,6%; Nhà 10-20m2 chiếm 17,8%; Nhà 21-30m2 chiếm 19,6%; Nhà 31-60m2 chiếm 40%; Nhà có diện tích lớn hơn 90m2 chỉ chiếm tỷ lệ gần 12%.
Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu (với đối tượng và địa bàn điều tra chưa phủ đầy đủ) thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng đều có xu hướng chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Quế Sơn