“Bất ổn tâm lý” đang là cụm từ được nhiều thành viên thị trường nhắc đến trong giai đoạn hiện tại. Cả bên bán và bên mua đang thiếu niềm tin vào thị trường…
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM gần như tê liệt vì thiếu dòng tiền và vướng mắc pháp lý, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả khách hàng lao đao. Từ hoạt động môi giới đến tiến độ xây dựng tại nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu. Nhiều dự án tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… đang xây dựng dở dang phải ngưng thi công.
Dường như, chưa bao giờ tâm lý của cả người có nhu cầu mua nhà để ở lẫn đầu tư lại “giằng xé” như giai đoạn hiện tại, giữa việc mua hay dừng lại quan sát, giữa lo ngại “nét xấu” của thị trường ngày càng “đậm đặc” và việc tăng giá tiếp tục diễn ra sẽ mang đến cơ hội sinh lời hay càng khiến việc tiếp cận nhà ở trở nên khó khăn.
Đại diện một doanh nghiệp tầm trung cho rằng, điều đáng lo ngại nhất với thị trường bất động sản lúc này là khủng hoảng lòng tin trên diện rộng. Hiện tại, trong khi các dự án mới khó được cấp phép hơn, các dự án hiện hữu cũng gặp khó về dòng tiền do việc huy động vốn từ khách hàng – là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với các chủ đầu tư, gần như “tắc nghẹn”.
Nhiều thành viên thị trường cũng lo ngại, hệ lụy có thể dự báo từ việc thị trường mất thanh khoản, dự án ngừng xây dựng, không chỉ tác động trực tiếp với bản thân các doanh nghiệp địa ốc, mà nguy cơ là tình trạng hàng loạt khách hàng đã mua nhà kéo đến các doanh nghiệp đòi nhà hoặc lấy lại tiền.
Mới đây, một tập đoàn bất động sản hàng đầu tại phía Nam đã có thư gửi đến các khách hàng đã mua nhà của doanh nghiệp này và được cam kết hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng. Nội dung thư là thông báo thay đổi chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà.
Theo thông báo này, khách hàng đã mua nhà phải chủ động trả lãi vay hoặc tất toán khoản vay với ngân hàng, thay vì được phía công ty hỗ trợ lãi vay như cam kết ban đầu. Lý do, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng, doanh nghiệp không thể hỗ trợ được nữa.
Hiện doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và phải tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống dự án, chưa kể việc bị bán giải chấp khiến thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm thấp càng khiến khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán bị thu hẹp.
“Khách hàng như chim sợ cành cong, giờ những sản phẩm thu tiền theo tiến độ hầu như không có khách mua do lo ngại đóng tiền xong không thể nhận nhà. Nhiều nhà đầu tư cho biết không thiếu tiền, cái họ thiếu là lòng tin để có thể dũng cảm xuống tiền khi chưa nhìn thấy tín hiệu lạc quan từ thị trường”, vị đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Còn theo anh Tuấn, một nhân viên môi giới, tâm lý nhà đầu tư giai đoạn hiện tại đang bị “phân mảnh”, trong khi nhóm nhà đầu tư có “tiền thịt” ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có dòng tiền để giao dịch thì một bộ phận nhỏ khác lại tìm kiếm đất nền giảm giá để đầu tư.
“Theo phản ánh của nhiều người, giá bán nhiều dự án chung cư được bàn giao từ 3-4 năm trước có xu hướng tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Lý do là có một lớp nhà đầu tư có nhu cầu mua các căn hộ cũ để vừa làm nơi trú ẩn dòng tiền, vừa có thể khai thác cho thuê, tăng thu nhập, mà vẫn đảm bảo khả năng tăng giá theo thời gian. Cùng với đó, nhu cầu mua nhà ở thực cũng tăng cao do nhiều người tin rằng, ngày càng khó có dự án mới và giá bán tiếp tục leo cao”, nhà đầu tư này phân tích và cho biết thêm rằng, với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, việc mua đất nền cắt lỗ đang âm thầm diễn ra với kỳ vọng giá đất sẽ bật mạnh khi thị trường phục hồi và dĩ nhiên, hiện tại, chỉ những nhà đầu tư “mạnh gạo, bạo tiền” mới dám “đi chợ” và nhóm nhà đầu tư này hầu như nói “không” với đòn bẩy nợ vay.
Để vực dậy thị trường bất động sản, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức hàng loạt cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang gặp vướng mắc. Đơn cử, tại TP.HCM, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo Thành phố đã liên tiếp có 3 cuộc họp gặp gỡ các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục các dự án bất động sản.
Hay như mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Dù nghị định mới chưa phải đã giải quyết được nhiều khó khăn cho thị trường, song đây là động thái chính sách đem lại niềm tin và hy vọng cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dưới tác động tích cực từ chính sách, thị trường bất động sản gần đây đã giao dịch trở lại. Mặc dù chưa thể sôi động ngay, nhưng điều này cho thấy dấu hiệu vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
“Thị trường bất động sản quý I/2023 đã có tín hiệu tích cực khi cơ quan quản lý triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp đang duy trì hoạt động thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai các dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng cho khách hàng. Trong quý II/2023, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở gồm: dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ… Do vậy, dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm hơn vào cuối quý II/2023”, ông Đính tin tưởng.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư, ĐTCK)