Trong 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Sun Life chỉ báo lãi gần 37 tỷ đồng vào năm 2013. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ, thậm chí là doanh thu càng tăng thì lỗ càng nhiều do mang nghìn tỷ đồng đi đầu tư trái phiếu.
Bộ Tài chính vừa tiến hành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Kết quả thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều vi phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Bộ Tài chính cho biết Sun Life hạch toán hơn 600 tỷ đồng chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bancassurance là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế.
Trong 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Sun Life chỉ báo lãi gần 37 tỷ đồng vào năm 2013. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ, thậm chí là doanh thu càng tăng thì lỗ càng nhiều.
Năm 2020, doanh thu của Sun Life Việt Nam đạt 1.307 tỷ đồng, khi công ty này bắt đầu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank.
Đến năm 2021, thỏa thuận bancassurance độc quyền giữa Sun Life Việt Nam và ACB được triển khai giúp doanh thu của công ty bảo hiểm này tăng 2,3 lần so với năm 2020 lên mức 3.015 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, Sun Life lần lượt báo lỗ sau thuế 645 tỷ đồng và 1.445 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu thuần của Sun Life Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 72% so với năm trước lên 5.173 tỷ đồng nhưng lại tiếp tục báo lỗ sau thuế 1.469 tỷ đồng.
Trong năm 2022, chi phí bán hàng của Sun Life Việt Nam đã tăng 816 tỷ đồng so với năm trước, lên mức 3.453 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho thấy, chi phí bán hàng của Sun Life tăng mạnh do doanh nghiệp chi hơn 2.900 tỷ đồng khen thưởng hỗ trợ đại lý, tăng 720 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong năm qua, Sun Life Việt Nam đã chi gần 4.100 tỷ đồng cho hoa hồng bảo hiểm và khen thưởng hỗ trợ đại lý. Trong khi đó, năm 2021, tổng chi cho 2 khoản này cũng chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Sun Life Việt Nam có 1 trụ sở công ty con, 2 chi nhánh, 39 địa điểm kinh doanh và 40 văn phòng tổng đại lý.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy Sun Life dành hơn 2.700 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng và gần 3.214 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận khoản đầu tư vào trái phiếu đã tăng đáng kể so với đầu năm. Giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dài hạn lên đến gần 1.400 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp 1.656 tỷ đồng.
Như vậy, việc mạnh tay chi khen thưởng cho đại lý, tăng lương và chi phí cho nhân viên đã đẩy chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt “phình to” khiến Sun Life Việt Nam báo lỗ sau thuế hơn 1.469 tỷ đồng, bất chấp doanh thu và lãi gộp tăng mạnh.
Tổng Hợp
(Dân Trí)