Trong báo cáo vừa công bố, Phòng Phân tích và nghiên cứu Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, điều khiến các cơ quan quản lý thị trường lo ngại về thị trường TPDN nói chung, TPDN bất động sản nói riêng bao gồm việc doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ; Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch;
Hiện tượng các ngân hàng bán TPDN cho các nhà đầu tư cá nhân, những người không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường TPDN vốn bất bình đẳng thông tin và chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng gây lo ngại.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Hội, về lâu dài, TPDN vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, trao cơ hội đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư. So với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Bộ Tài chính cũng đề xuất thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá trên 10.000 tỷ đồng, thị trường TPDN đã trải qua một bước ngoặt mới, với sự kiểm soát nghiêm ngặt và nhiều cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
TPDN đã trải qua 4 năm phát triển mạnh mẽ với giá trị phát hành bùng nổ, đạt hơn 700.000 tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước năm 2021. Đáng chú ý, TPDN bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn trái phiếu hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. Các doanh nghiệp bất động sản đã vượt ngân hàng, đứng đầu về giá trị TPDN phát hành năm 2021 với tỷ trọng 35% tổng giá trị TPDN phát hành.
Gần một nửa giá trị TPDN bất động sản là không có tài sản đảm bảo. Việc có tài sản đảm bảo là không bắt buộc, nhưng đó là một trong những điều kiện tạo nên uy tín của doanh nghiệp cũng như TPDN đó phát hành nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư (trái chủ). Tính đến giữa tháng 4, tổng giá trị TPDN phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng. Quá nửa giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 1. Tỷ trọng TPDN bất động sản trong quý I năm nay chiếm tới 43%.
Đặc biệt là thông tin Bộ Tài chính cho biết đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi sai phạm.
Theo các chuyên gia kinh tế, trái phiếu DN được phát hành chính là một khoản nợ của DN. Nếu đến hạn thanh toán, hoặc đến kỳ trả lãi mà DN phát hành trái phiếu không thể thanh toán được cũng có nghĩa là rơi vào tình trạng vỡ nợ. Điều này đã xảy ra tại nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường và hoàn toàn có thể xảy ra tại Việt Nam.
Đối với Việt Nam, từ năm 2018 đến 2021, thị trường trái phiếu DN đã bùng nổ với tổng giá trị trái phiếu DN đang lưu hành ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm khoảng 14,5% GDP năm 2021.
Giới chuyên môn nhận định, có nhiều nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn từ khối trái phiếu khổng lồ này. Chẳng hạn, với các DN bất động sản, sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dòng tiền suy kiệt, trong khi thị trường bất động sản hiện có thanh khoản thấp, nếu không thể trả được nợ, tất yếu dẫn đến vỡ nợ.
Tổng Hợp