Cuối tháng 9/2021, Tập đoàn Thái Lan WHAUP đã đệ đơn kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam yêu cầu Aqua One của Shark Liên mua lại cổ phần trong công ty Sông Đuống. Tuy nhiên, bức tranh tài chính của Aqua One cho thấy phần lí do công ty của Shark Liên chưa có động thái gì trong việc thực hiện các “điều khoản” hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Liên tiếp trong 2 năm gần đây nhất là 2019 và 2020, Aqua One đều không ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, năm 2019 doanh thu hoạt động tài chính Aqua One có gần 105 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp của Shark Liên vẫn báo lãi sau thuế 3 tỷ đồng. Điều đáng nói, chỉ mục này nhanh chóng sụt giảm về còn 25 tỷ đồng, khiến Aqua One lỗ ròng gần 67 tỷ đồng trong năm 2020.
Tính tới thời điểm 31/12/2020, Aqua One lỗ luỹ kế 68,4 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.969 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp của công ty là 2.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2020, tổng tài sản Aqua One đạt 2.694 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn tài sản doanh nghiệp là khoản đầu tư vào công ty con với 1.621 tỷ đồng. Thế nhưng trong kỳ, Aqua One phải trích hơn 2 tỷ dự phòng cho các khoản đầu tư này.
Dù không phát sinh doanh thu nhưng Aqua One vẫn đẩy mạnh đi vay. Cả vay nợ ngắn hạn và dài hạn đều tăng khiến tổng nợ vay lên tới 674 tỷ đồng. Trong năm 2020, doanh nghiệp cũng phải chi đến 68 tỷ đồng chi phí lãi vay. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của CTCP Nước mặt Sông Đuống, nơi Aqua One nắm giữ đến 40% vốn, cũng không khả qua hơn. Kết thúc năm 2020 Sông Đuống ghi nhận doanh thu thuần đạt 329 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng đến 64% khiến lãi gộp doanh nghiệp chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng so với năm 2019.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 67% về 2 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 42% lên 304 tỷ đồng; chi phí bán hàng gấp đôi lên 9 tỳ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% lên 18 tỷ đồng. Kết quả, CTCP Nước mặt Sông Đuống lỗ ròng 266 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 192 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ phải trả của Sông Đuống lên đến 3.971 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 549 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên đến 7,2 lần, một tỷ lệ đáng báo động cho các cổ đông của doanh nghiệp.
Trong số này, chủ yếu là vay nợ dài hạn với 3.733 tỷ đồng. Lưu ý rằng, trong năm 2020, Sông Đuống đã phải chi tới 304 tỷ đồng cho việc trả lãi vay, xấp xỉ bằng doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp.
Mới đây, cử tri huyện Gia Lâm đã đề nghị TP Hà Nội đôn đốc Nhà máy nước mặt Sông Đuống sớm hoàn trả các tuyến đường tại một số xã trên địa bàn huyện Gia Lâm như Phù Đổng, Kim Sơn, Lệ Chi… theo quy định, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện. Lý do được đưa ra là do quá trình thi công lắp đặt đường ống nhà đầu tư đã đào bới làm hư hỏng các tuyến đường nhưng chưa thực hiện hoàn trả theo quy định, gây bức xúc trong nhân dân. Việc này UBND TP Hà Nội cho biết, ngày 25/02/2021 Sở Xây dựng đã làm việc với nhà đầu tư và đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương thi công hoàn trả các tuyến đường đã thi công hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Theo văn bản trả lời cử tri của UBND TP Hà Nội, Liên danh Công ty CP nước AquaOne và Công ty CP nước mặt sông Đuống (nay là Công ty CP Kinh doanh nước sạch số 1 AquaOne) được UBND TP Hà Nội giao triển khai dự án xây dựng mạng lưới cấp nước cho các xã còn lại của huyện Gia Lâm từ tháng 6/2017. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, Liên danh AquaOne – Sông Đuống thực tế còn thành lập tới 3 công ty con là Công ty CP Kinh doanh nước sạch số 1 AquaOne, Công ty CP Kinh doanh nước sạch số 2 AquaOne và Công ty CP Kinh doanh nước sạch số 3 AquaOne để triển khai các dự án phát triển mạng lưới nước sạch.
Khá phù hợp khi tính tới tháng 7/2018, Hà Nội đã giao Công ty CP nước AquaOne triển khai nhiều dự án phát triển mạng lưới nước sạch tới trực tiếp người dân. Trong đó, phát triển tới khoảng 125 xã tương đương 298.700 hộ dân, 1.194.800 người, với suất đầu tư nhiều xã lên đến hơn 35 triệu đồng/hộ dân.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)