Nhìn bức tranh hoạt động các ngân hàng không chỉ màu hồng, trong khi lợi nhuận tăng trưởng cao thì ngân hàng cũng phải đối mặt với loạt rủi ro tiềm ẩn. Nợ xấu được xem là rủi ro lớn nhất trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Báo cáo vào tháng 8 của World Bank cũng chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định tài chính trên diện rộng đến cuối tháng 6/2021, nhưng chất lượng cho vay đã bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và tiếp tục còn 11,1% cuối tháng 6/2021.
Bức tranh xám màu về nợ xấu cũng không thể phủ nhận một điều là hệ thống ngân hàng đã “khoẻ” hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây 5 năm. Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II, 21 TCTD đã tất toán hết dư nợ tại VAMC. Từ năm 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản bảo đảm. Và có lẽ nhờ những nỗ lực trong 5 năm qua của toàn hệ thống mà tới khi nền kinh tế chạm đến “khủng hoảng COVID”, các ngân hàng mới có được sự ổn định như hiện nay. Lường trước được những rủi ro về nợ xấu, nhiều ngân hàng đã lựa chọn trích lập 100% với các khoản cơ cấu lại chứ không chờ phân bổ trong 3 năm theo cho phép của NHNN, tăng bước đệm dự phòng lên cao nhất từ trước tới nay.
Theo Tổng cục thống kê tính tới tháng 9, bình quân mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bao gồm cả phá sản, giải thể, tạm dừng kinh doanh có thời hạn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây cũng cho thấy sự chuyển biến của nợ xấu là rất nhanh, không những “xoá bỏ” kết quả xử lý nợ ấn tượng trong gần 5 năm trở lại đây mà còn đặt ra những rủi ro lớn trong ít nhất 1- 2 năm sắp tới.
Trong phiên thẩm tra tình hình kinh tế – xã hội ngày 29/9, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 có thể tăng lên mức 7,1% – 7,7%; xấp xỉ 8% sau khi thực hiện cơ cấu, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Con số này còn cao hơn mức tỷ lệ nợ xấu (đã tính vả nợ bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn) của hệ thống trong năm 2017 là 7,36%.
Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt của quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng khi Nghị quyết 42 ra đời vào tháng 8 cho phép các ngân hàng có thêm quyền chủ động trong việc thu giữ tài sản, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xử lý nợ. Sau khi áp dụng Nghị quyết 42, nợ xấu ngân hàng đã giảm mạnh. Nếu vào cuối năm 2016 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46% thì tới năm 2019 đã giảm về 1,63% và năm 2020 là 1,76%.
Tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì số liệu năm 2016 là 10,58%, năm 2017 còn 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81% (cao hơn mục tiêu dưới 3%). “Nếu không có COVID-19 thì chắc chắn ngành ngân hàng sẽ đạt được chỉ tiêu này. Khi nền kinh tế gặp khó khăn do COVID-19, doanh nghiệp và người dân không thể trả nợ ngân hàng thì đương nhiên sẽ phát sinh nợ xấu”, Phó thống đốc cho biết. Nợ xấu tiềm ẩn cũng là một trong những nguyên nhân khiến các con số lợi nhuận ngân hàng trở nên không chân thực. Các khoản lãi dự thu từ nợ xấu sẽ góp một phần vào lợi nhuận trong khi khả năng thu hồi vẫn chưa được xác định.
Khảo sát của NHNN vào cuối tháng 9 cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi thực hiện điều tra Xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý I/2014), các TCTD cho biết lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh trong quý điều tra có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước. Tỷ lệ TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2021 giảm từ 67,6-73,3% (kỳ trước) xuống 54%. Gần 60% TCTD kỳ vọng kết quả kinh doanh giữ nguyên hoặc lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm trong quý IV. Trong cả năm 2021, 13,3% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm” (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2021).
Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn với mức tăng trưởng lợi nhuận cao, nhiều ngân hàng ghi nhận con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Trong đó ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
6 tháng đầu năm 2021, Techcombank vươn lên vị trí á quân về lợi nhuận toàn hệ thống chỉ sau Vietcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 11.536 tỷ đồng, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm trước. Hay VPBank vững vàng ở vị trí của mình trên BIDV trong Top 5 về lợi nhuận với 9.037 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ. MB hay ACB cũng là những gương mặt nổi bật với mức tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm lần lượt là 56% và 66% cũng bám đuổi sát nút phía sau.
Sang nửa đầu năm 2021, nhóm Big4 đồng loạt ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số. Lợi nhuận trước thuế BIDV tăng tới hơn 86% so với cùng kỳ trong khi tại VietinBank, Agribank, Vietcombank lần lượt là 45,4%; 40% và 23,6%. Những con số lợi nhuận này đều là sau khi ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100%, riêng Vietcombank vượt 300%.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)