COVID-19 đã tác động rộng rãi đến hầu hết tất cả các ngành kinh tế, trong đó nhóm doanh nghiệp đầu tư BOT gặp rất nhiều khó khăn khi lưu lượng xe giảm mạnh do lệnh giản cách xã hội được thực thi trên diện rộng.
CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng IDICO (Mã: HTI) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, riêng quý III/2021, doanh thu thuần chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Lãi gộp 11 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 15 tỷ đồng.
Theo giải trình từ HTI, nguyên nhân thua lỗ là do trạm thu phí An Sương – An Lạc đã tạm dừng thu phí để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 20/7 đến ngày 2/10. Việc tạm dừng thu phí đã làm cho doanh thu phí sử dụng đường bộ trong quý III/2021 của Công ty giảm 81 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu HTI giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 225 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 65% xuống còn 16 tỷ đồng. Như vậy, HTI mới thực hiện được được 56% mục tiêu doanh thu và 28% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Một ông lớn ngành BOT khác là CTCP Tasco (Mã: HUT) ghi nhận doanh thu giảm 15,8% so với cùng kỳ về 162 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 77,2% lên 45 tỷ đã ăn mòn lợi nhuận của Tasco, khiến công ty tiếp tục lỗ 72,8 tỷ đồng trong quý III/2021. Tasco cho biết trong những năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của công ty đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu do tác động từ hình thức đầu tư BOT, bao gồm những bất cập về chính sách và yếu tố khách quan của dịch bệnh.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, Tasco tiếp tục thống nhất định hướng tái cấu trúc mạnh mẽ, tập trung vào các ngành nghề và lĩnh vực hoạt động chính vào lĩnh vực hạ tầng thiết yếu như giao thông, thu phí tự động không dừng, y tế…
Hoạt động chính tại khu vực miền Nam, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) cho thấy hầu hết các chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ trong quý III. Cụ thể, doanh thu thuần của ông lớn xây dựng hạ tầng giảm 85,8% còn 259 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp 70 tỷ so với 337 cùng kỳ năm ngoái. CII cho biết, việc tạm ngừng thu phí đối với các dự án giao thông và tạm dừng thi công các dự án hạ tầng cơ sở, bất động sản theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước ảnh hưởng lớn đến doanh thu quý III.
Song, nhờ doanh thu hoạt động tài chính 374 tỷ đồng, chủ yếu từ chuyển nhượng quyền tham dự dự án đầu tư đã giúp công ty báo lãi sau thuế 10,6 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ. Dòng tiền kinh doanh của CII trong 9 tháng đầu năm tiếp tục âm hơn 1.083 tỷ đồng, trong khi dòng tiền tài chính dương gần 1.055 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng nợ đi vay của CII vẫn ở mức cao, hơn 17.660 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 13.039 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG), doanh thu thuần quý III giảm 17% xuống 395 tỷ đồng. Dù đã ghi nhận doanh thu tài chính tăng gấp ba lần cùng kỳ lên 105 tỷ đồng chủ yếu từ thoái vốn công ty con công ty vẫn lỗ thuần 13,7 tỷ đồng. Nhờ ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại 17 tỷ đồng, công ty chuyển từ trạng thái lỗ sang có lãi 1,4 tỷ trong quý III vừa qua. Cùng kỳ năm trước, Đức Long Gia Lai lỗ 253 tỷ đồng. Theo Đức Long Gia Lai, dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 tại Việt Nam khốc liệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số ngành nghề tạm ngưng hoạt động khiến doanh thu giảm.
Phần lớn công ty làm dự án cơ sở hạ tầng ở phía Nam báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Ngược lại, một số doanh nghiệp thi công các dự án hạ tầng tại miền Trung và phía Bắc như Đèo Cả, Đạt Phương lại đang hưởng lợi.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)