Thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng giảm giá tại một số khu vực. Sang quý IV, thị trường đã tuột khỏi đỉnh và đang ở trong giai đoạn rất khó khăn. Lượng giao dịch bất động sản sụt giảm mạnh, giá bất động sản cũng có xu hướng giảm, nhất là tại những vùng sâu vùng xa. Bối cảnh thị trường bất động sản khó đoán định…
Theo một thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước rủi ro mất thanh khoản, buộc phải thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).
Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp bất động sản tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí giảm 50% lực lượng lao động.
Ngoài ra, do tắc các kênh huy động vốn (tín dụng, trái phiếu, vốn huy động khách hàng) nên một số doanh nghiệp bất động sản phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao hoặc phải bán bớt tài sản, dự án; bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (40% giá hợp đồng).
Hiệp hội này sau đó đã có văn bản đề nghị NHNN trình Chính phủ xem xét nới trần tín dụng thêm 1% (nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
HoREA cũng kiến nghị các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu.
Nhóm khách hàng có nhu cầu thực sự vẫn đang chờ đợi, nhưng cũng có những người muốn có nhà ở ngay đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua. Theo ông, nhu cầu thực được cho là “điểm sáng” tháo gỡ khó khăn nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả hoạt động vào việc phục vụ nhu cầu này của khách hàng.
Mặc dù vậy, để dòng vốn thực sự được khơi thông sẽ cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá bất động sản cần giảm tiếp.
Chuyên gia cho rằng, ở giai đoạn này, các nhà đầu tư bất động sản đã được tập dượt. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản từ năm 2014 đến nay đều có sự tích lũy về tài sản.
Đơn cử, ở giai đoạn 2007 – 2008, mỗi nhà đầu tư chỉ có 1-2 sản phẩm bất động sản. Còn hiện nay, ước tính trung bình một người 40 tuổi đầu tư bất động sản sở hữu ít nhất 3 sản phẩm. Từ năm 2014 đến nay, bất động sản luôn trong xu hướng tăng giá, các nhà đầu tư hầu hết đều có dòng tiền tích lũy.
Do đó, khi khủng hoảng xảy ra, không có một sự hoảng loạn quá lớn mặc dù thị trường xuống rất nhanh và đột ngột. Những bất động sản ở khu vực trung tâm chưa có sự bán tháo, tình trạng này chỉ xảy ra ở một số dự án của một số chủ đầu tư mất thanh khoản, hay ở những khu vực ở xa.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nắm vững tình hình, diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các khó khăn, rủi ro, có các giải pháp hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả,… Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng phân tích nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trước đó, ngày 5/12, NHNN đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), với việc nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 – 2%, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Tổng Hợp
(Doanh Nghiệp & Niêm Yết)