Bối cảnh năm 2022 là vô cùng khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, trong nước thay đổi, đảo chiều rất nhanh. Nhiều sự kiện, diễn biến chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo nhưng lại có tác động mạnh, trực tiếp, đan xen và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nước ta.
Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tham mưu giải pháp, chính sách quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2022 hết sức nặng nề nhằm hóa giải khó khăn, thách thức, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Đây vừa là trọng trách, vừa là sự tin tưởng, tín nhiệm mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân đã giao phó cho ngành kế hoạch và đầu tư (KHĐT).
Ngay từ đầu năm, ngành KHĐT đã tham mưu xây dựng chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhằm hỗ trợ chi phí, dòng tiền cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân… qua đó, đóng góp chung vào những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực của nước ta năm 2022. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao, chuyển dịch cơ cấu từng bước theo chiều sâu. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Sang năm 2023, nhờ nền tảng và quá trình phát triển tích cực thời gian qua, nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi tích cực. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng, thậm chí lớn hơn cả năm 2022, đặt ra nhiều vấn đề lớn cho ngành KHĐT trong việc đánh giá, dự báo tình hình và tham mưu chính sách.
Trước khó khăn, thách thức đó, ngành KHĐT tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành làm tốt công tác dự báo, tổng hợp, tham mưu xây dựng chính sách kịp thời, trọng tâm, trọng điểm để điều hành, phát triển KTXH, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, từng bước hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển nhanh, tác động đến nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, thị trường cũng có không ít biến động, nổi lên một số vấn đề như nguồn cung giảm, hoạt động giao dịch bất động sản có trầm lắng, tính thanh khoản giảm, doanh nghiệp bất động sản đối mặt với không ít khó khăn như vướng mắc liên quan đến thể chế và khó khăn về tài chính do nguồn vay tín dụng bị siết lại, trái phiếu đến hạn phải trả…
Trước khó khăn đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời, trong đó có quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh.
Qua các cuộc làm việc, Tổ công tác của Thủ tướng bước đầu báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một trong các nhóm giải pháp đưa ra là rà soát dự án đang triển khai đủ pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm giải pháp này, khi được tháo gỡ khó khăn sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường.
Năm 2023, thị trường chứng khoán vẫn chịu tác động từ các biến động kinh tế vĩ mô trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hồi phục và tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan. Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian gần đây cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có giải pháp để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản… Đây là những yếu tố nội tại quan trọng kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường trong thời gian tới.
Năm 2022, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội lên đến 347.000 tỷ đồng, vừa đưa gói hỗ trợ nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhưng đồng thời cũng phải giảm thuế. Theo tính toán, sẽ phải giảm đến 233.000 tỷ đồng và đến gần hết năm đã giảm được gần 200.000 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu…
Đến ngày 15/12, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt hơn 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Dù được yêu cầu giảm đến 233.000 tỷ đồng vẫn thu được số liệu như vậy là thắng lợi hết sức to lớn.
Năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã phát hành hóa đơn điện tử, ngày 1/7 vừa rồi, 100% doanh nghiệp và hộ gia đình nộp thuế theo phương pháp kê khai. Ước tính đã có hơn 2,1 tỷ hóa đơn điện tử được phát hành.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước các bộ, ngành, địa phương để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào “đường ray”, trở thành kênh huy động vốn trung hạn hiệu quả cho nền kinh tế phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm 2022, các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19vẫn tiếp tục gây ra những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và đối với ngành công thương nói riêng.
Các chỉ số tăng trưởng của ngành có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do chiến tranh Nga – Ukraine làm gián đoạn nguồn cung một số mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước ở một số thời điểm và làm tăng giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Thị trường xuất khẩu thu hẹp tổng cầu thế giới giảm (các nền kinh tế giảm tốc do tác động của đại dịch, giá cả năng lượng leo thang, chuỗi cung ứng gián đoạn…); thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp gây bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; một số thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trình chính sách kiểm soát Covid (Trung Quốc).
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa bắt kịp với khu vực FDI. Trong 11 tháng của năm, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu (27,9 tỷ USD), trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tiếp tục xuất siêu (38,6 tỷ USD). Xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số khu vực thị trường và mặt hàng chủ yếu.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Chính Phủ)