Bối cảnh hiện nay, người đang mắc vào nợ rối như tơ vò khi không thể xoay được tiền trả nợ. Đương nhiên, họ sẽ phải tìm cách bán tài sản, những tài sản dễ bán có thể là cổ phần.
Thị trường bất động sản đã nguội đi khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ và dòng tiền đọng ở thị trường này rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đến hạn đáo nợ cũng không tìm ra được dòng tiền, trong khi ngân hàng thì không thu được tiền về, tiền gửi thì sụt giảm đã đẩy lãi suất huy động thời gian này tăng khá mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, người nắm tiền đang làm chủ tình hình. Ngược lại, người đang mắc vào nợ rối như tơ vò khi không thể xoay được tiền trả nợ.
Theo đó, đương nhiên họ sẽ phải tìm cách bán tài sản, những tài sản dễ bán có thể là cổ phần. Nhiều con nợ không thể trả nợ mà đang cầm cố bằng cổ phiếu cũng có thể bị chủ nợ mang ra bán.
Trong bối cảnh áp lực về lạm phát và tỷ giá trong năm nay đều tăng mạnh, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã không còn và các biện pháp thắt chặt đã được áp dụng (hạn chế room tín dụng, tăng lãi suất điều hành, hút tiền qua kênh OMO và tín phiếu, bán ngoại tệ).
Tổng hợp các biện pháp này đã dẫn đến sự suy yếu thanh khoản trên thị trường chứng khoán và cũng là một trong các nguyên nhân khiến định giá thị trường sụt giảm sâu (xét theo P/E).
Ở thời điểm hiện tại, áp lực lạm phát đã giảm xuống khi lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt 2,7% nhờ giá cả hàng hoá cơ bản đã hạ nhiệt và nhiều khả năng mức lạm phát mục tiêu dưới 4% mà Chính phủ đề ra sẽ đạt được.
Theo đó, không gian chính sách của Ngân hàng Nhà nước thời điểm hiện tại sẽ phụ thuộc chính vào diễn biến tỷ giá USD/VND, nói cách khác là sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Biến động của đồng USD vốn rất khó dự đoán, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phát đi các tín hiệu mạnh tay nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Khả năng USD đảo chiều giảm sẽ rất khó xảy ra nếu lạm phát Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt, hoặc rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ rõ ràng hơn trong thời gian tới.
Tuần qua, chỉ số VN-Index đã “bay hơi” gần 100 điểm, tương đương mức giảm hơn 8%. Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần hoảng loạn, đẩy chỉ số VN-Index tiến gần về mốc 1.000 điểm trong phiên cuối tuần.
Môi trường “tiền rẻ” (lãi suất thấp) kéo dài trong hơn 2 năm vừa qua (để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19) đã kết thúc khi các ngân hàng trung ương vào cuộc đua tăng lãi suất. Điều này đã tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu, cả ở khía cạnh điểm số và dòng tiền. Thị trường Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành.
Trong tuần qua, hàng loạt nhà băng trong nước đã nâng lãi suất tiết kiệm, với lãi suất cao nhất được ghi nhận là 9,1%/năm. Mặt bằng lãi suất tăng khiến cho kênh cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn. Thanh khoản thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng do sức ép rút tiền nhằm hạ margin, dòng tiền “nóng” cũng đã được rút ra khỏi thị trường trong bối cảnh khó hút thêm dòng vốn mới.
Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu bật hồi phục thì chỉ số VN-Index đang có chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp và đã mất 30% kể từ đỉnh, nằm trong Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới.
Với diễn biến ngược dòng thế giới như phiên 4/10, tâm lý nhà đầu tư sẽ chuyển biến xấu đi và không tìm thấy điểm tựa nào ở thời điểm hiện tại. Về kỹ thuật, thị trường tiếp tục đi vào vùng quá bán.
Thời điểm này, có rất nhiều lời khuyên được giới chuyên gia chứng khoán đưa ra là nên đứng ngoài quan sát. Thường ở giai đoạn thị trường rơi vào xu hướng giảm kéo dài, việc quản trị rủi ro cần ưu tiên, sau đó mới nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Tổng Hợp