Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ về tính khả thi của đề án, Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh mục tiêu của đề án cho phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn (giảm 354.500 căn so với mục tiêu của đề án trước đó là 1.416.700 căn). Theo đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất giảm nguồn lực thực hiện xây dựng 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 xuống còn 849.500 tỷ đồng (giảm khoảng 280.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu là 1.130.000 tỷ đồng).
Theo Bộ Xây dựng, việc cân đối ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về ngân sách, về đầu tư công do địa phương chủ động. Do vậy, các địa phương có thể căn cứ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương để cân đối nguồn lực hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, bỏ nội dung “chủ trì, phối hợp với ngân hàng chính sách nhà nước sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”.
Đối với những đề nghị của Bộ Tư Pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến, làm rõ thời hạn thực hiện đối với một số nhiệm vụ. Các nhiệm vụ còn lại mang tính thường xuyên liên tục sẽ không quy định thời hạn.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được 18/26 ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ đối với nội dung đề án, trong đó có 11 ý kiến đồng ý, 3 ý kiến đề nghị bổ sung nội dung, 3 ý kiến khác và 1 ý kiến không đồng ý với nội dung đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Liên quan tới ý kiến đề nghị xem cân nhắc mục tiêu, số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023 để đảm bảo tính khả thi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục tiêu, số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 của đề án được Bộ Xây dựng xác định theo tổng hợp số liệu của các địa phương trên cơ sở chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được thông qua hoặc đăng ký số lượng.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, hiện có nhiều rào cản trong cơ chế phát triển nhà ở xã hội đang làm phát sinh thủ tục, chi phí. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội phải mất 1-2 năm để hoàn thành những thủ tục này.
Đăc biệt, hầu hết các địa phương chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai. Giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi tổ chức bán hàng, quản lý doanh nghiệp, việc định mức lợi nhuận dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% đã không thu hút được doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này đã họp với các ngân hàng thương mại nhà nước gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Các ngân hàng này đã đồng ý dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng dành cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay đối với người xây dựng và người mua nhà khi được áp dụng gói tín dụng này sẽ thấp hơn từ 1,5-2 điểm % lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Được biết, 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank đã tự nguyện đăng ký mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng. Thống đốc cho biết, gói này sẽ còn tăng lên khi nhiều ngân hàng khác đăng ký tham gia.
“Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để các ngân hàng triển khai tiếp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tổng Hợp
(Dân Việt)