Ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có Văn bản số 973/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương góp ý vào xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi hai nghị định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính từ chối quản lý xăng dầu, đề nghị giao toàn quyền cho Bộ Công Thương.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết việc hai Bộ (Tài Chính và Công Thương) cùng quản lý thị trường xăng dầu đã phát sinh quy trình, gây khó khăn quản lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân”.
Trước đó, tại tờ trình dự thảo lần thứ 2 nghị định sửa đổi Nghị định 83, 95 ngày 18/1, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm Bộ Công Thương quản lý, điều hành hệ thống phân phối nhập khẩu, lưu thông và cấp phép kinh doanh xăng dầu, còn Bộ Tài chính quản lý về giá và quỹ bình ổn. Tuy nhiên, trong góp ý ngày 3/2, Bộ Tài chính không đồng tình.
Về lý do, theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.
“Vì vậy, đề nghị sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất về một cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan điều hành giá xăng dầu để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động”, Bộ trường Bộ Tài chính nói.
Thứ hai, Bộ Tài chính khẳng định theo quy định Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.
Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm.
Vì vậy, cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.
Theo Bộ Tài chính, việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá.
Ngoài vấn đề tập trung một đầu mối quản lý, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi báo cáo tại Tờ trình dự thảo lần 2, trong đó có đoạn: “Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh”.
Bộ Tài chính không đồng tình và đề nghị “Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ”, văn bản góp ý của Bộ Tài chính nêu.
Tại dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng theo hướng giữ mức thuế tối thiểu hiện hành là 1.000 đồng/lít và tăng mức thuế tối đa lên hơn 4.000 đồng/lít.
Theo Bộ Tài chính, các nghiên cứu chỉ ra xăng, dầu, mỡ nhờn là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, gây hại đến an toàn sức khỏe và môi trường sống như chì, lưu huỳnh, benzen… So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.
Nếu giá dầu thô thế giới trong khoảng 90-100 USD/thùng thì tỷ lệ thuế trong giá xăng, dầu khoảng 31% đối với xăng, 18,7% đối với dầu. Trong khi đó, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40-55% đối với xăng và 35-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).
Tổng Hợp
(Dân Việt, Dân Trí)