Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 20/10/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản…
Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm.
Đồng thời, nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập doanh nghiệp…
Bổ sung quy định về việc quản lý, quyền sử dụng thông tin dữ liệu thu được từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bổ sung quy định về bảo mật và công bố thông tin trong quá trình thực hiện phòng, chống rửa tiền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Dự thảo luật đã quy định nhiều biện pháp phòng, chống rửa tiền, từ đó gắn với quyền và trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức, do vậy cần rà soát để quy định chặt chẽ nhưng cũng không để lợi dụng, lạm dụng quyền hạn; có quy trình thực hiện đầy đủ, chặt chẽ; có cơ chế thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, cần cân nhắc quy định về hình thức, phương thức lưu trữ hồ sơ, tài liệu cho phù hợp.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bên cạnh việc kế thừa thì phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.
Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, trong đó có tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, quy định này được kế thừa từ quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và luật hóa các quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Bên cạnh đó, để đáp ứng thực tiễn công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền, dự thảo luật cũng bổ sung nguyên tắc: trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền, việc trao đổi, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Quy định về đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo luật bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Theo đó định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.
Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.
Tổng Hợp