Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản liên ngân hàng đang duy trì ở mức cao trong lịch sử, hơn 400 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền đang bị ùn ứ tạm thời trong ngân hàng và bị tác động bởi cả 2 chiều cung và cầu.
Cụ thể, ở chiều cung, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 110 nghìn tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ thanh khoản. Đồng thời, từ đầu năm tới nay, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện mua vào 700 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương với việc đẩy khoảng 15.785 tỷ VND ra ngoài thị trường.
Ở chiều cầu, tín dụng cho nền kinh tế đến ngày 10/6 đạt 8,2%, do đó các ngân hàng lớn được báo cáo đã gần chạm hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, kéo theo tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Với việc tiền bị kẹt quá nhiều trong hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng hạ về mặt bằng thấp. Trong khi đó, sau đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), lãi suất USD liên ngân hàng đã tăng mạnh. Lãi suất qua đêm tăng gần gấp đôi từ vùng 0,85 – 0,9%/năm lên 1,5-1,6%/năm.
Do đó, chênh lệch lãi suất VND và USD trên liên ngân hàng giảm sâu trong vùng âm. Có thời điểm mức chênh lệch âm tới 1,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm.
Diễn biến trên gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Bởi lẽ, người cầm VND đang hưởng ít lãi hơn so với người cầm USD. Theo đó, nếu mua USD, người mua sẽ vừa được hưởng chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, vừa được hưởng lợi từ việc tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng giữa bối cảnh FED tăng lãi suất. Vì vậy, nhu cầu mua USD càng tăng cao, kéo theo tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng.
Trong bối cảnh như vậy, không những phải phát đi thông điệp sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước còn tái hoạt động trở lại kênh hút tiền trên thị trường mở (OMO). Đáng chú ý, chỉ sau vỏn vẹn 4 phiên giao dịch, kênh hút tiền này đã thu lại gần 70.000 tỷ đồng từ thị trường.
Nhờ vậy, lãi suất VND liên ngân hàng bắt đầu tăng lên mức 0,64%/năm ở kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch lãi suất VND và USD giảm còn âm 1,0 điểm phần trăm, khiến áp lực tăng tỷ giá USD/VND giảm đáng kể.
Thực tế, trong tuần qua, bất chấp chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD neo ở mức cao lịch sử, tỷ giá USD/VND chỉ nhích tăng. Cụ thể, giá USD liên ngân hàng đóng cửa ngày 24/6 ở mức 23.252 VND/USD, tăng nhẹ 13 VND so với phiên cuối tuần trước đó. Hay tỷ giá USD/VND thị trường tự do gần như không thay đổi, giao dịch tại mức 23.940 VND và 23.970 VND tương đương mua vào và bán ra.
Tổng Hợp