Việt Nam nằm trong số những quốc gia có triển vọng “sáng” nhất châu Á và nền kinh tế sắp phục hồi trở lại, chuyên gia kinh tế của UBS cho biết trong tuần này.
“Việt Nam hứng chịu vài tác động của Covid-19, nhưng triển vọng lại nằm trong nhóm sáng nhất khu vực”, Edward Teather, Chuyên gia kinh tế ASEAN tại UBS Research, cho hay.
“Trong tháng 6/2020, doanh số bán lẻ, kim ngạch nhập khẩu và sản lượng công nghiệp đều tăng – tốt hơn so với hầu hết nền kinh tế trong khu vực”, ông nói trên chương trình “Squawk Box Asia” trong ngày 06/07.
Nhiều nền kinh tế thu hẹp trong quý 2/2020, nhưng GDP Việt Nam vẫn còn tăng trưởng nhẹ 0.36%.
Việt Nam thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc – nơi dịch bệnh khởi phát.
Cho đến nay, Việt Nam – vốn có dân số gần 100 triệu người – ghi nhận 369 ca nhiễm và không có ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins .
“Việt Nam đang tăng trưởng và có vị thế tốt để tiếp tục giành lấy thị phần trên toàn cầu về phương diện xuất khẩu. Do đó, triển vọng khá sáng so với phần còn lại của khu vực”, ông Teather cho biết.
Đáng lưu ý, đất nước hình chữ “S” đang được xem là trung tâm sản xuất thay thế cho các công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì căng thẳng Mỹ-Trung.
Trong khi đó, theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế Bloomberg, chỉ có nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương trong năm nay tại khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia của Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2.8% trong năm nay. Trong khi đó, con số của các nền kinh tế Đông Nam Á khác đều rất ảm đạm. Dự báo GDP Thái Lan sụt tới 6%, Singapore giảm 5.7%, Malaysia lao dốc 3.9%, Philippines và Indonesia hạ lần lượt 3.5% và 1%.
Về triển vọng năm 2021, nhóm chuyên gia Bloomberg nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á với mức tăng GDP 8,1%. Đứng sau là Philippines với 7,5%, Malaysia 5,7%, Indonesia 5%, Singapore 4,8% và cuối cùng là Thái Lan 4%.
Thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – vừa được thông qua trong tháng trước – có thể thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào nền kinh tế đang lên này, ông Teather cho biết.
Nhìn chung, dòng vốn FDI có khả năng bị cản trở, một phần vì nhà đầu tư không thể tự do di chuyển, ông dự báo. Tuy nhiên, vẫn còn “nhiều hoạt động” đang được triển khai và những khoản đầu tư này có thể tăng mạnh trong năm 2021 khi các giới hạn di chuyển được gỡ bỏ.
Theo ông, sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng có thể khích thích nền kinh tế Việt. “Cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc tung thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế và Ngân hàng Nhà nước nói rằng họ muốn tăng trưởng tín dụng trên 10%”.
Vũ Hạo (Theo CNBC, Bloomberg)