Dòng vốn ngoại kết hợp với các nhà đầu tư trong nước đã giúp chỉ số VnIndex tăng 28% trong quý này, giúp chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng điểm mạnh thứ hai thế giới dù giảm tổng cộng 6% trong 4 phiên gần nhất.
Một bài báo mới đăng trên Bloomberg nhận định các quỹ đầu tư toàn cầu đang bắt đầu quay trở lại TTCK Việt Nam trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á nổi lên là một trong số ít ỏi những nơi gần như không bị tổn thương trước đại dịch Covid-19.
Từ tháng 3, các quỹ như Ashmore Group Plc và Coeli Asset Management đã tăng lượng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong khi kể từ đầu tháng 6 đến nay các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng trở lại, đánh dấu tháng mua ròng đầu tiên kể từ tháng 1/2020.
Dòng vốn ngoại kết hợp với các nhà đầu tư trong nước đã giúp chỉ số VnIndex tăng 28% trong quý này, giúp chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng điểm mạnh thứ hai thế giới dù giảm tổng cộng 6% trong 4 phiên gần nhất.
Bloomberg nhận xét từ tháng 4 Việt Nam đã có thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh nhờ triển khai theo dõi tiếp xúc và cách ly hơn 100.000 người. Với 334 ca nhiễm đã được xác nhận, bằng chưa đến 1% tổng số ca nhiễm ở những nước láng giềng Singapore và Indonesia, Việt Nam được kỳ vọng sẽ nằm trong số những điểm nóng tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu mở cửa trở lại.
Ngoài chống dịch thành công, chính phủ cũng đang quyết liệt tái cấu trúc nợ xấu ngân hàng, hoãn nợ, giảm nợ hay miễn lãi cho doanh nghiệp và tung ra những biện pháp hỗ trợ trong đó có gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động. Bên cạnh đó là thúc đẩy nhanh chóng giải ngân các khoản đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính để giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế.
“Những hành động mạnh mẽ và quyết đoán trong cuộc chiến với Covid-19 và giờ là đẩy mạnh đầu tư đều là những chính sách có lợi cho nền kinh tế Việt Nam”, Andrew Brudenell, nhà quản lý quỹ tại Ashmore nói. Brudenell cho biết từ cuối năm 2019 đã tăng 50% tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, và hiện Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên trị giá 77 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đồng nội tệ ổn định và căng thẳng Mỹ – Trung mới leo thang trở lại cũng là những yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam như 1 lựa chọn thay thế cho Trung Quốc trong vai trò chuỗi cung ứng giá rẻ. Apple nằm trong số các tập đoàn lớn trên thế giới đã chuyển sang Việt Nam để tận dụng năng lực sản xuất tại đây.
“VND khá ổn định, được hỗ trợ bởi thặng dư cán cân vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối ổn định”, Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ của Asia Frontier Capital, nhận xét. Chỉ giảm 0,2% so với USD, VND đang nằm trong nhóm những đồng tiền diễn biến tốt nhất ở châu Á kể từ đầu năm đến nay.
Quỹ đầu tư của Thụy Điển Coeli Asset cũng nâng tỷ trọng vốn phân bổ vào thị trường Việt Nam trong danh mục thị trường cận biên trị giá 350 triệu USD từ mức 18,6% ở thời điểm đầu năm lên 25%. “Tỷ lệ P/B của cổ phiếu Việt Nam đã giảm mạnh trong 18 tháng qua”, nhà quản lý quỹ James Bannan nói.
Chỉ số P/B của VnIndex hiện là 1,9 lần, so với mức 3,3 lần ở thời điểm tháng 3/2018.
Cả 3 quỹ đều khuyến nghị nên mua cổ phiếu của các công ty tiêu dùng, tránh cổ phiếu ngân hàng vì nỗi lo nợ xấu. Riêng quỹ Ashmore còn tăng đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản và nguyên vật liệu.
Tham khảo Bloomberg