Theo bức thư gửi Bộ Thương Mại Mỹ, cơ quan này cho rằng các giao dịch mua USD tăng dự trữ ngoại hối đã khiến mức biến động tỷ giá hối đoái thực tế của Việt Nam tăng từ 3,5% lên 4,8%.
Theo đưa tin từ Bloomberg, một cuộc điều tra của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam đã giảm giá đồng tiền của mình khoảng 4,7% so với đồng USD trong năm 2019, thông tin từ một bức thư được gửi đến Bộ Thương mại Mỹ.
Theo bức thư này, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện mua ròng khoảng 22 tỉ USD ngoại hối và điều đó đã góp phần làm giảm giá tiền đồng trong khoảng 4,2% đến 5,2%. Trong đó, các giao dịch mua USD được ước tính đã làm giảm giá tiền đồng từ 3,5% đến 4,8%.
Đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ là một phần trong cuộc điều tra của Bộ Thương mại về cáo buộc trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe chở khách và xe tải nhẹ từ Việt Nam. Một qui tắc liên bang mới được công bố trong năm nay ở Mỹ cho phép Bộ Thương mại coi việc định giá thấp tiền tệ là một yếu tố để xác định thuế đối kháng đối với một đối tác thương mại.
Động thái này là một dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể viện dẫn Việt Nam vi phạm lần thứ hai về chính sách ngoại hối với các đối tác thương mại lớn.
Trong lần công bố báo cáo hồi tháng 1, Việt Nam bị đánh giá là đã vi phạm một trong ba tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng để đánh giá một nước kiểm soát tiền tệ. Đó là thặng dư hàng hóa song phương đạt mức 47 tỉ USD, cao thứ sáu trong số các đối tác thương mại của Mỹ. Các nền kinh tế có ít nhất hai lần vi phạm được thêm vào danh sách giám sát.
Trúc Minh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng