Tại các quốc gia phát triển, người dân có đa dạng kênh tài sản đề đầu tư: trái phiếu, cổ phiếu, quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, BĐS,…
Ở Việt Nam, chu kỳ của ngành BĐS thường ngắn hơn 4 – 5 năm so với các quốc gia trên thế giới. Trước tác động của COVID-19, giá bán căn hộ sơ cấp tại hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP HCM không có dấu hiệu suy giảm.
Trên cơ sở đó, đơn vị chứng khoán cho rằng thị trường BĐS Việt Nam đã hoàn thành một chu kỳ, đồng thời dự báo mặt bằng giá mới được thiết lập trong dài hạn, làm cơ sở cho những hoạt động kinh doanh, bán hàng trong tương lai của các doanh nghiệp.
Tính sơ lược 2 Thành phố trọng điểm, tổng lượng cung sản phẩm BĐS tăng 39,3%. Xét về quy mô, nguồn cung nhà ở TP HCM lớn hơn do nhu cầu và dân số lớn, còn thị trường Hà Nội có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhờ lợi thế về các dự án hạ tầng.
Báo cáo của công ty chứng khoán cũng cho thấy, trong hơn ba thập kỷ qua, diện tích m2 sàn căn hộ/đầu người ở các nước trong khu vực châu Á đều có xu hướng tăng dần đều.
Trong đó, ở những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, tốc độ tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với bình quân, đạt mức 19 m2 sàn căn hộ/đầu người vào cuối năm 2019. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao sẽ có tỷ lệ m2 sàn căn hộ/đầu người cao hơn những nước đang phát triển.
So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm ở nhóm có diện tích m2 sàn căn hộ/đầu người thấp nhất (19 m2), nhưng mật độ dân số (đầu người/km2) cao hơn Thái Lan và Malaysia.
Ngoài ra, diện tích nhà trung bình của người Việt chỉ ở mức trung bình so với các nước ASEAN khoảng 72 m2, thấp hơn so với mức trung bình của khu vực là 76 m2.
Nhiều vấn đề trong giá nhà
Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%. Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị cũng đạt khoảng 91%…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn chỉ rõ duy nhất 1 nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc chỉ đang ở mốc 24 m2 sàn/người, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 25m2 sàn/người vào năm 2020.
Tính đến nay, riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 264 dự án có quy mô 219.000 căn hộ, tương đương gần 11 triệu m2 sàn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện vào khoảng 40% và sẽ tăng lên 45% vào năm 2030, do đó đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị.
Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung ở một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp. Phía nam là TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Phía bắc chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Nội và một số thành phố vệ tinh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Hai thành phố có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là TP.HCM và Hà Nội sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.
Bộ Xây dựng dự báo, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021- 2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự gia tăng mức thu nhập của người dân làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng.
Tuy nhiên, thị trường đang xảy ra tình trạng mất cân đối trong quan hệ cung – cầu. Trong khi nguồn cung nhà ở phân khúc trung và cao cấp đang dư thừa khoảng 70-100 triệu m2 sàn, thì phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp đang thiếu nguồn cung trầm trọng.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên hiện chỉ chiếm từ 20-30%, nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70-80%.
Theo Mirae Asset, trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam luôn đi kèm với sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS). Cụ thể, ở giai đoạn 2016 – 2019, GPD/đầu người tại Việt Nam tăng 23,8% (từ 2.192 USD lên 2.715 USD).