Bức tranh lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của ngành ngân hàng đang dần hé lộ. Tính đến thời điểm ngày 22/7/2022, theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, khoảng 16 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ khả quan.
Theo quan sát của chúng tôi, lãi suất huy động dần thiết lập mặt bằng mới với mức tăng trung bình từ 20-30 điểm cơ bản ở nhiều kỳ hạn, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có mức tăng ko đáng kể, hiện vẫn duy trì lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường khi lãi suất kỳ ngắn dưới 12 tháng không vượt quá 4%/năm, các kỳ hạn dài cũng chỉ dao động trong khoảng 5,3-5,6%/năm. Nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân có mức tăng mạnh hơn, khi mức lãi suất cao nhất đã tăng lên trên 7%/năm ở một số kỳ hạn dài.
Mặc dù xu hướng lãi suất đầu vào tăng chậm lại trong 1 tháng qua do giải ngân tín dụng hạn chế, song lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Do lãi suất đầu vào tăng, nên áp lực giảm biên lợi nhuận (NIM) sẽ mạnh hơn trong 2 quý cuối năm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Thông tư 08/2021/TT-NHNN không được gia hạn thêm 1 năm nữa, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn sẽ giảm từ mức 37% hiện tại xuống mức 34% bắt đầu từ ngày 1/10/2022, đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải giảm nguồn vốn ngắn hạn hoặc tăng cho vay trung – dài hạn để đáp ứng yêu cầu này.
Tổng lợi nhuận của những ngân hàng này tăng gần 30% trong quý II/2022, tương đương với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Trong đó, Eximbank (mã EIB) là ngân hàng ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lên tới gần 200%.
Đối với 6 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận của các ngân hàng đã có thông tin tăng hơn 32%, nhưng nếu loại bỏ các phần lợi nhuận đột biến mức thì mức tăng trưởng ước đạt khoảng 25%. Nhìn chung, các ngân hàng đều đã hoàn thành được nửa chặng đường kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2022, đặc biệt LienVietPostBank (mã LPB) và Eximbank đã đạt hơn 70% kế hoạch cả năm.
Tín dụng hệ thống đã tăng 9,4% từ đầu năm tính đến cuối tháng 6/2022, cao hơn đáng kể so với mức 6,4% của cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhóm ngành thương mại và dịch vụ đang là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn cho biết tăng trưởng cho vay đã gần chạm trần tín dụng được cấp từ đầu năm, khiến cho việc giải ngân chậm lại trong thời gian qua.
Nhìn về cuối năm, chúng tôi nhận thấy rằng, nhu cầu tín dụng vẫn khá lớn khi khu vực kinh tế tư nhân đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch với hơn 76.000 doanh nghiệp thành lập mới và hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công được kỳ vọng đẩy nhanh hơn những tháng cuối năm nhờ nỗ lực của Chính phủ cũng như giá một số nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng hạ nhiệt, từ đó tác động tích cực lên ngành bất động sản – xây dựng, là lĩnh vực thường có nhu cầu vay vốn lớn trong 2 quý cuối năm.
Trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp giữ nguyên mục tiêu tín dụng 14% cho cả năm 2022. Do đó, chúng tôi kỳ vọng nhiều ngân hàng thương mại sẽ được nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng ngay trong quý III này để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao thời điểm cuối năm.
Tổng Hợp