Theo ghi nhận của Forbes, tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/10, giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đạt 5,8 tỷ USD, tăng 63 triệu USD tương ứng tăng 1,09% so với ngày cuối tháng 9.
Với khối tài sản hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 286 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Con số này cũng tăng đáng kể so với thời điểm xếp hạng người giàu hồi tháng 4 vừa qua. Theo thống kê của Forbes lúc đó, tài sản của ông Vượng đạt 5,6 tỷ USD (xếp hạng tháng 3/2019, giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup là 6,6 tỷ USD).
Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm nay thì giá cổ phiếu VIC trên thị trường chứng khoán đã giảm 19,57% (giảm 22.500 đồng). Trước đó, VIC từng đạt đỉnh 122.500 đồng hồi đầu tháng 11/2019.
Ông Phạm Nhật Vượng đang trực tiếp sở hữu 876 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu thêm 1,04 tỷ cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Tương tự, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng bay Vietjet Air đạt 2,2 tỷ USD, tăng so với mức 2,1 tỷ USD hồi tháng 4 và tăng 17 triệu USD tương ứng 0,77% so với ngày 30/9.
Bà Thảo từng xếp thứ 52 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2019 và hiện tại là người giàu thứ 1001 trên thế giới.
Giá trị tài sản trên sàn của nữ tỷ phú này cũng đã sụt giảm đáng kể so với đầu năm do giá cổ phiếu VJC giảm mạnh, mất 40.700 đồng mỗi cổ phiếu, tỷ lệ mất giá là 27,84%.
Ngoài 47,2 triệu cổ phiếu HDB thì bà Thảo cũng trực tiếp sở hữu 47,47 triệu cổ phiếu VJC và gián tiếp sở hữu 154,74 triệu cổ phiếu của hãng hàng không này thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Báo cáo tài chính bán niên 2020 của CTCP Hàng không Vietjet – VietJet Air (VJC) cho thấy, doanh nghiệp này đã bán quyền mua lại toàn bộ 50 triệu cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam – PV Oil (OIL) hiện đang nắm giữ cho bên liên quan.
Mỗi quyền mua được bán với giá 10.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị của thương vụ là 500 tỷ đồng. Khoản tiền được ghi nhận vào doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm và góp phần giúp doanh thu tài chính của hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng vọt gấp khoảng 8 lần cùng kỳ năm ngoái lên trên 1.700 tỷ đồng.
Tài sản của ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Trường Hải (Thaco) cũng đạt mức 1,5 tỷ USD, còn tài sản của ông Trần Đình Long cũng tăng 27 triệu USD tương ứng 2,27% so với một ngày trước đó và đạt 1,2 tỷ USD.
Cổ phiếu HPG của Hoà Phát là một trong những mã có diễn biến đi ngược xu hướng khi đạt được diễn biến tăng rất mạnh. Mỗi cổ phiếu HPG đã tăng 7.753 đồng tương ứng tăng 40,28% trong 9 tháng giao dịch vừa qua và điều này đã giúp ông Trần Đình Long quay trở lại với danh sách tỷ phú USD.
Tại Hoà Phát, ông Trần Đình Long đang nắm giữ 700 triệu cổ phiếu HPG. Đó là chưa tính đến số cổ phần mà bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long nắm giữ tại Hoà Phát là 202,55 triệu đơn vị.
Ông Hồ Hùng Anh là tỷ phú USD thứ năm của Việt Nam theo thống kê của Forbes tại ngày 1/10. Giá trị tài sản của Chủ tịch Techcombank là 1,2 tỷ USD, tăng 8 triệu USD tương ứng 0,71% so với 1 ngày trước.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, CEO của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank (TCB) Jens Lottner vừa đăng ký mua 439.000 cổ phiếu TCB theo phương thức giao dịch thỏa thuận ngoài sàn từ ngày 1-27/10/2020.
Với mức giá khoảng 23.000 đồng/cp như hiện tại, ước tính CEO Jens Lottner sẽ chi ra số tiền khoảng hơn 10 tỷ đồng để mua cổ phiếu TCB của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh.
Trước đó, Techcombank đã tăng room ngoại từ 22,5% lên mức 22,51% vốn điều lệ để chuẩn bị cho việc tân CEO là người nước ngoại nâng sở hữu tại ngân hàng. Techcombank cũng như nhiều ngân hàng đã chốt room ngoại để dành cho các đối tác chiến lược sau này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group lại không xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD.
Phần lớn tài sản của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều nắm tại cổ phiếu MSN. Ông Hồ Hùng Anh sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB; 173,7 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp qua 47,56% cổ phần Công ty CP Masan và 73,6 triệu cổ phiếu này gián tiếp qua 47,56% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.
Ông Nguyễn Đăng Quang thực tế chỉ sở hữu tượng trưng 15 cổ phiếu MSN nhưng lại có trong tay tới 177,13 triệu cổ phiếu này thông qua 48,5% cổ phần tại Công ty cổ phần Masan và 75,06 triệu cổ phiếu MSN qua 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Bên cạnh đó, ông Hồ Hùng Anh còn sở hữu hơn 30 nghìn cô rphieesu MCH và hơn 9,4 triệu cổ phiếu TCB.
Trong khi cổ phiếu TCB của Techcombank giảm nhẹ 750 đồng/cổ phiếu tương ứng giảm 3,18% so với đầu năm thì MSN của Masan Group cũng giảm 1.600 đồng/cổ phiếu tương ứng 2,83%.
Nhìn chung, tài sản của các tỷ phú USD bị ảnh hưởng đáng kể do giá cổ phiếu biến động giữa bối cảnh dịch Covid-19 tác động quy mô toàn cầu, phần lớn doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tại thời điểm tháng 3 năm nay, Forbes thống kê trên thế giới có tổng cộng 2.095 tỷ phú USD, giảm 58 người so với năm 2019 và giảm tới 226 người chỉ sau 12 ngày. Cũng trong số những tỷ phú USD còn trụ lại thì có đến 51% tỷ phú bị giảm tài sản so với năm 2019.
Người có tài sản tăng mạnh nhất trong danh sách tỷ phú USD năm 2020 là Qin Yinglin, xếp thứ 43 trong danh sách người giàu với giá trị tài sản đạt 18,5 tỷ USD. Theo cập nhật mới nhất thì đến ngày 1/10, giá trị tài sản của ông Qin và gia đình đã đạt 22,7 tỷ USD nhưng thứ hạng lại sụt xuống thứ 56 thế giới.
Có 178 gương mặt tỷ phú USD mới xuất hiện tại 20 quốc gia, trong đó có nhà sáng lập và CEO của Zoom Video là Eric Yuan, doanh nghiệp hưởng lợi do giãn cách xã hội. Giá trị tài sản của ông Eric Yuan và gia đình tiếp tục tăng mạnh trong nửa năm qua, lên 21,4 tỷ USD, xếp thứ 60 thế giới.
Tập đoàn Thế giới di động của đại gia Nguyễn Đức Tài vừa công bố báo cáo doanh thu tháng 8 đạt 8.662 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 326 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của tập đoàn bán lẻ này đi ngang so với tháng 7 và tăng trưởng 9% doanh thu, 14% lợi nhuận so với tháng 8/2019.
Dưới tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2, hơn 180 cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh. Những cửa hàng này phải đóng cửa (nằm trong các khu vực bị phong tỏa) hoặc bị giới hạn về số lượng khách được phép phục vụ bên trong.
Trong bối cảnh đó, Bách Hóa Xanh giữ vai trò quan trọng khi đóng góp gần 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% tổng doanh thu của công ty. Đây là kỷ lục mới về doanh thu trong một tháng của chuỗi.
Trong tháng 8, chuỗi bán lẻ này tiếp tục điều chỉnh tốc độ mở mới để tập trung tăng doanh số của các cửa hàng hiện hữu. Nhờ đó, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng tăng nhẹ lên hơn 1,2 tỷ đồng
Chuỗi Thế giới Di động chỉ tăng thêm 34 cửa hàng trong tháng qua. Trước đó, Bách Hóa Xanh mở mới bình quân 100 cửa hàng/tháng trong quý II, số cửa hàng đến cuối tháng 8 là 1.595.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)
Theo Phụ nữ Mới