Đất nền vẫn là phân khúc được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong những tháng đầu năm nay. Giá bán loại hình đất nền sơ cấp tại nhiều địa phương cũng đang giữ ở mức khá cao, biến động giá đất nền và nhà liền thổ sôi động.
TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Nhà Bè và Bình Chánh là các khu vực ghi nhận lượng tin rao và nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh nhất. Đây cũng là những địa phương có giao dịch và biến động giá đất nền và nhà liền thổ sôi động nhất các tháng đầu năm. Giá bán loại hình đất nền sơ cấp tại nhiều địa phương cũng đang giữ ở mức khá cao. Mức giá đất sơ cấp thấp nhất ở TPHCM hiện là 48 triệu đồng/m2, cao nhất 97 triệu đồng/m2 với đất nền dự án.
Huyện Bình Chánh, Nhà Bè và TP Thủ Đức là những khu vực có chỉ số quan tâm đất nền tăng cao nhất sau Tết, giá đất nền trung bình tại hai huyện khu Nam ghi nhận được ở mức 6 tỷ đồng/nền từ 150 đến 200 m2, tức khoảng 22-30 triệu đồng/m2. Riêng đối với TP Thủ Đức, một lô đất nền 100 m2 ở quận 2 có giá trung bình từ 4,5-6 tỷ đồng (khoảng 45-60 triệu đồng/m2), còn ở quận 9 từ 3,5-4,8 tỷ đồng (khoảng 35-45 triệu đồng/m2).
Các tỉnh thành liền kề TPHCM như: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An cũng tiếp tục có nhu cầu giao dịch đất nền tăng 12-17% so với tháng trước. Ngoài ra, các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đồng Nai cũng là những thị trường có tăng trưởng nhu cầu tìm mua đất nền cao trong tháng 2. Trong đó, Lâm Đồng có lượt tìm kiếm đất nền tăng 41%, tiếp theo sau là Khánh Hòa và Đà Nẵng, lần lượt ghi nhận nhu cầu giao dịch đất nền tăng 32-34%, Đồng Nai cũng có số lượng tìm kiếm đất nền tăng 25% so với tháng trước.
Nhìn nhận về xu hướng gia tăng nhu cầu mua đất nền, chuyên gia của đơn vị trên cho biết, do lo ngại về trượt giá khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay.
Đối với nhóm bất động sản liền thổ, đất nền có giá vừa túi tiền hơn so với nhà phố, biệt thự hay shophouse nên sẽ hút các dòng vốn quy mô trung bình khá trở lên. Tuy vậy, theo các chuyên gia, hiện tượng “nóng sốt” trên diện rộng trên thị trường khó diễn ra, mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương hưởng lợi từ quy hoạch, hạ tầng.
Ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản, đặc biệt là đất nền, ở nhiều địa phương đã diễn ra khá sôi động. Cá biệt, có nơi đã xuất hiện tình trạng “thổi giá” gây “sốt ảo”, nhiễu loạn thị trường.
Thời gian qua, giới đầu cơ đất ở khu vực huyện Củ Chi (TPHCM) đã đồng loạt cập nhật bảng giá mới. Tùy vào khu vực, vị trí, diện tích, hệ thống hạ tầng, các “đầu nậu” đưa ra những mức tăng khác nhau. Trong đó, khu vực xã Nhuận Đức và Bình Mỹ có tăng giá từng ngày. So với trước khi có thông tin đề xuất đưa Củ Chi từ huyện lên thành phố, giá đất tăng 10 – 25%.
Ở những khu vực dự kiến thực hiện các dự án như khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng nông thôn đã xuất hiện hoạt động đầu cơ bất động sản gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường. Cùng với đó, thị trường có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo rao bán khi chưa đầy đủ quy trình… gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và khó khăn cho việc quản lý Nhà nước.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), ngay trong 2 tháng đầu năm nay, “sốt ảo giá đất” đi đôi với hoạt động đầu cơ đã có dấu hiệu quay trở lại. “Các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các “đầu nậu”, “cò đất”, “cò nhà”, doanh nghiệp “bất lương” để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản”, ông Châu cảnh báo.
Tổng Hợp