Nhận định được giới chuyên gia đưa ra, trong ngắn hạn, dòng tiền nhàn rỗi khó chuyển hướng, bởi các kênh đầu tư còn ảm đạm và rủi ro.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính phân tích, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng, bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản đang kém hấp dẫn. Trong đó, với bất động sản, dù thị trường trầm lắng, nhưng giá bất động sản khó giảm và đòi hỏi phải có nguồn tiền lớn, nên trong bối cảnh hiện nay khó thu hút được nhà đầu tư. Còn thị trường chứng khoán biến động khó lường và rủi ro cao, đòi hỏi nhà đầu tư mạo hiểm.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, tình hình địa chính trị trên thế giới đang diễn biến phức tạp và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất USD trong năm tới sẽ là cơ hội tạo “sóng” cho thị trường vàng. Tuy nhiên, do nguồn cung vàng SJC trong nước khan hiếm nên giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua vàng. Vì thế, dòng tiền hiện nay đang “nằm chờ” là chính. Từ giờ đến cuối năm, dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng.
TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, với lạm phát hiện nay, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Dòng tiền nhàn rỗi chậm chảy, kể cả khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm đến 3 – 4% so với thời điểm đỉnh cao trong quý III và IV/2022, bởi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét.
Theo TS. Huân, chỉ khi nào thị trường chứng khoán hồi phục và dòng tiền từ thị trường này chảy sang thì thị trường bất động sản mới sôi động. Tuy vậy, việc hồi phục của thị trường bất động sản còn tùy thuộc vào từng phân khúc, trong đó có những phân khúc phải mất 4 – 5 năm mới hồi phục được, chứ không thể trong một sớm một chiều, chẳng hạn như các dự án nằm ở ngoại thành, mang tính chất đầu cơ, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp… Còn với phân khúc nhà phố hoặc căn hộ chung cư ở trung tâm TP.HCM, có tính thanh khoản cao thì khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn.
Ông Huân nhận định, lượng tiền nhàn rỗi chảy qua chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều, mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 8/2023, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6,43 triệu tỷ đồng.
Người dân, doanh nghiệp gia tăng gửi tiết kiệm, dù lãi suất liên tục giảm, là bởi tính chất ổn định và an toàn của kênh này, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.
Thời điểm giữa tháng 8/2023, có khoảng chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là trên 7%/năm. Hơn 20 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất cao nhất (thường rơi vào kỳ hạn 1 năm) từ 6%/năm đến dưới 6,5%/năm. Nhưng hiện tại, chỉ còn một số nhà băng như PVcomBank, NCB, Sacombank áp dụng lãi suất tiết kiệm 6,2%/năm, các nhà băng còn lại đã đưa về dưới 6%/năm.
Tổng Hợp
(ĐTCK)