Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) ngày 5-10 phát đi khuyến cáo liên quan đến các hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được cơ quan này cấp phép. Hiện nay trên khung gian mạng bát nháo các ứng dụng kiếm tiền…
Nói về việc nở rộ các app đầu tư tài chính nhưng chưa được UBCKNN cấp phép, TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên trường ĐH Bristol (Anh), không phản đối nhưng cho rằng nhà đầu tư chọn đầu tư qua các app này cần lưu ý phải biết mình đang ký hợp đồng gì, với ai? Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trực tiếp từ quỹ sẽ được bảo vệ theo quy định về quỹ đầu tư nhưng nếu không ký hợp đồng trực tiếp với quỹ mà ký thông qua app, như vậy đối tác của nhà đầu tư là các app nên cần tìm hiểu kỹ quyền lợi liên quan. Nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ và yêu cầu bên app đưa ra giấy tờ chứng thực là việc gửi vốn, góp vốn đầu tư… bằng hợp đồng hoặc giấy xác nhận cụ thể để bảo đảm quyền lợi.
“Thực tế, nhu cầu thị trường là có và một số fintech (công ty tài chính công nghệ) đang hoạt động theo mô hình này. Như khuyến cáo của cơ quan quản lý, có một số app huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Như vậy, nếu các app đang hoạt động như trung gian thanh toán thì cần chứng minh không tham gia hoạt động quản lý quỹ và huy động tiền của nhà đầu tư. Quan trọng không kém, khi đầu tư vào các app, nhà đầu tư cần được thông tin cả về lợi nhuận và rủi ro có thể gặp phải” – TS Hồ Quốc Tuấn nêu ý kiến.
ThS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng ở góc độ pháp lý, các nghiệp vụ liên quan đến môi giới, quản lý đầu tư chứng khoán thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy chỉ các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán được cấp phép mới được tham gia. Nếu các app đầu tư tài chính nói trên huy động vốn để đầu tư thì phải tuân thủ theo quy trình thủ tục, lập và chào bán chứng chỉ quỹ hay hoạt động quản lý quỹ cũng phải tuân theo khuôn khổ pháp lý. Nếu các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép các hoạt động trên mà huy động thì bị xem là vi phạm. “Cơ quan quản lý cần có biện pháp chế tài như thế nào chứ không chỉ là khuyến cáo, để khi thiệt hại cho nhà đầu tư xảy ra rồi thì đã quá muộn” – ông Vũ cho biết.
Cùng quan điểm này, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, sáng lập Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, cho rằng nếu các app đầu tư có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán thì UBCKNN nên ra quyết định ngừng kinh doanh đối với các ứng dụng này và xử lý theo luật. Còn nếu chỉ đưa ra khuyến cáo thì nhà đầu tư vẫn có thể gặp rủi ro tranh chấp mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ. “Với cách làm hiện tại của đơn vị quản lý, tôi cho rằng có thể các app đầu tư này đang được khuyến khích bởi trào lưu sáng tạo, áp dụng công nghệ trong kinh doanh” – ông Chánh nhìn nhận.
Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực blockchain, ông Phan Đức Nhật, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của BHO Network, thừa nhận các dự án huy động vốn qua app ở Việt Nam hiện nay chưa có pháp luật điều chỉnh. Nó giống như “vùng xám”, đúng – sai chỉ mang tính tương đối, tùy cách nhìn nhận của người tham gia. “Hầu hết các nhà đầu tư đều hiểu nằm ở “vùng xám” thì có rủi ro nhưng họ nhìn thấy cái lợi nhiều hơn nên vẫn chấp nhận góp vốn. Ở một quốc gia đang tiến đến số hóa, công nghệ phát triển như Việt Nam, tôi cho rằng những gì liên quan fintech cần luật hóa sớm để vừa hỗ trợ nó phát triển vừa bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư” – ông Nhật góp ý.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng quy định cá nhân, tổ chức không được hoạt động ngân hàng, trong đó có việc huy động vốn của các cá nhân và tổ chức khác, song quy định này lại chưa thực sự chính xác và rõ ràng. Quy định này chỉ áp dụng với các hoạt động mang tính kinh doanh tiền tệ (gửi tiền và cho vay), không áp dụng chung với tất cả doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và pháp luật thuế đều cho phép cá nhân, pháp nhân có quyền nhận tiền gửi dưới các hình thức vay vốn khác nhau.
Theo UBCKNN, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn. Tuy nhiên, các website, app này lại có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Thực tế, trong 2 năm thị trường chứng khoán sôi động (2020-2021), hàng loạt app đầu tư chứng khoán đã ra đời để thu hút nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nhưng ít thời gian hoặc những người có số tiền nhỏ nhưng muốn đầu tư chứng khoán để kiếm lời. Trong đó, Finhay khá quen thuộc với nhiều người, do thường xuyên chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và được nhiều ca sĩ, diễn viên, doanh nhân… nổi tiếng giới thiệu.
Theo lời giới thiệu, Finhay là ứng dụng đầu tư cá nhân với hơn 2,7 triệu người dùng, được thành lập năm 2017. Finhay đang cung cấp các sản phẩm liên quan đến quỹ đầu tư, chứng khoán, tích lũy sinh lời, mua bán vàng, ngân hàng, bảo hiểm, mua sắm online. Sức hấp dẫn của ứng dụng này chính là việc người dùng chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ đã có thể tham gia các sản phẩm của Finhay, như đầu tư cổ phiếu chỉ từ 10.000 đồng, góp vốn vào quỹ đầu tư từ 50.000 đồng với mức “tăng trưởng bền vững hằng năm” từ 6% – 49,5%. Tài sản của người dùng ứng dụng sẽ được chuyển tới Công ty CP Quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Finhay mới đây cũng công bố đã mua lại và chính thức trở thành chủ quản của Công ty Chứng khoán Vina (VNSC).
Tương tự, Infina tự giới thiệu là nền tảng đầu tư, tích lũy của Công ty RealStake (Singapore), cung cấp các sản phẩm đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và tích lũy, đầu tư chung bất động sản.
Tikop quảng cáo nhà đầu tư có thể tham gia các sản phẩm như “Tích lũy” hứa hẹn lãi suất lên tới 8,6%/năm, “Đầu tư” chứng chỉ quỹ với lợi nhuận kỳ vọng 7% – 20%/năm, riêng sản phẩm “Bất động sản” được quảng cáo lợi nhuận năm lên tới 10%. Vốn đầu tư tối thiểu 50.000 đồng và được miễn phí quản lý. Tikop cho biết mọi hoạt động giao dịch trên ứng dụng đều được lưu lại trên hệ thống của ngân hàng. Do đó nhà đầu tư có thể kiểm tra lịch sử giao dịch và yên tâm về dòng tiền đầu tư.
Ứng dụng đầu tư Savenow được giới thiệu có “những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực tài chính cùng các công nghệ AI phân tích thị trường để đưa ra “Danh mục đầu tư tối ưu” cho khoản đầu tư của bạn”. Đồng thời, các chuyên gia tài chính hàng đầu sẽ thay khách hàng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu… với hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn nhưng vốn chỉ từ 1.000 đồng.
Trong khi đó, Passion Invest là đơn vị do chuyên gia tài chính Lã Giang Trung làm tổng giám đốc, hoạt động từ năm 2016, chuyên cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng hoặc từ 50 tỉ đồng tùy từng đối tượng. Theo giới thiệu trên website Passion Invest, tỉ suất lợi nhuận bình quân hằng năm cho giai đoạn 6 năm từ năm 2016 đến hết năm 2021 của sản phẩm hợp tác kinh doanh đạt mức tỉ suất bình quân 52,92%/năm. Mục tiêu đầu tư của Passion Invest đưa ra là không có năm nào thua lỗ, tỉ suất lợi nhuận bình quân đạt 40%/năm.
Tổng Hợp