Mặc dù là vậy, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn nhận lại năm 2022, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư lợi nhuận và mang đến cho nhiều cơ hội kinh tế.
Trong các tháng cuối năm 2022, thị trường tại TP.HCM và các vùng phụ cận cũng có những nét nổi bật, trong quý này, ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 77,8% so với quý trước.
Trong các quý đầu năm 2022, thị trường bất động sản gặp thuận lợi suôn sẻ, nhưng đến quý cuối năm thì gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung mới có tăng nhưng không đồng đều trong phân bổ, hầu như chỉ tập trung ở những giai đoạn kế tiếp của một vài dự án quy mô lớn.
Ông Phạm Lâm – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO DKRA Việt Nam cho biết, trong năm 2022 thị trường bất động sản trên cả nước vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM xu hướng bất động sản vẫn tăng.
Tại khu vực TP.HCM mặt bằng căn hộ trong từng quý 1/2022 tăng 3 – 4% và so với cùng kỳ tăng gần 10%, giá thuê cũng tăng từ 4-7%. Riêng về phân khúc thổ cư, đất nền tại TP.HCM nằm ở biên độ giá tăng từ 10-25%.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước “siết room” tín dụng, các kênh trái phiếu gặp khó khăn về trả lãi và phát hành, đã làm ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản cùng nhiều nhà đầu tư. Trước những diễn biến của thị trường, mọi người đều nhìn nhận về một thị trường 2023 sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả đều kỳ vọng vào việc khơi thông dòng tiền sẽ là động lực tạo “sức bật” thị trường bất động sản. Nguồn vốn vay được giải ngân, tạo ra thanh khoản thị trường.
TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2023 vẫn có những điểm sáng tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, tức là kết thúc quý 2, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có của nó.
“Tôi đồng tình rằng thị trường bất động sản hiện nay rất khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đang gặp nhiều thách thức và phải tìm mọi cách để tồn tại. Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường bất động sản hiện nay đang khủng hoảng” TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Trước đây vào năm 2012, nguồn hàng bị dư thừa trầm trọng nên được gọi là khủng hoảng thừa, còn hiện tại thị trường không hề thừa nguồn hàng mà thậm chí là thiếu nguồn hàng, khan hiếm nguồn hàng. Vì vậy, giai đoạn này chỉ được xem là giai đoạn suy giảm của thị trường bất động sản, chỉ cần một thời gian ngắn sau là thị trường có thể vực dậy”, ông Đính nhìn nhận
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2023 một số tỉnh thành phố lớn đang thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang sẽ tạo ra động lực tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
“Nhu cầu ở thực là rất lớn nhưng lại chưa được đáp ứng, giải quyết nhu cầu này là mục tiêu lớn nhất của thị trường bất động sản”, ông Thịnh nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu đảo chiều và cân bằng hơn vào giai đoạn cuối năm 2023, tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Trong đó, phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thực là “điểm sáng” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường cho thuê là xu hướng được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Nhu cầu thuê sẽ gia tăng ở tất cả các loại hình, đặc biệt là chung cư.
Theo chuyên gia, trong những quý đầu của năm 2023, ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý 1, do đó áp lực của lãi suất, tỷ giá lên thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài đến hết khoảng thời gian này. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cuối năm 2022, thị trường bất động sản, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến động về room ngân hàng và trái phiếu. Điều này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và chính những nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. HoREA cũng nhiều lần kiến nghị đến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng, để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản cũng như cho vay trong lĩnh vực sản xuất.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong thời gian tới nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng khả năng sẽ vẫn giảm, hạn chế. Chỉ các chủ đầu tư có đủ nguồn lực mới có khả năng phát triển dự án.
Thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng trong năm 2023. Dù nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cao nhưng thực tế, thị trường này vẫn sẽ chậm giao dịch vì vướng mắc pháp lý, dòng tiền khó và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Dân Việt)