Giá tăng, giao dịch tăng bất chấp dịch Covid-19 cho thấy bất động sản vẫn là kênh đầu tư hàng đầu trong sự lựa chọn hiện nay của các nhà đầu tư, bất chấp sóng vàng, chứng khoán… liên tục nổi lên.
Thót tim với vàng, chứng khoán
Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những biến động rất mạnh trong 7 tháng đầu năm 2020. Đặc biệt Việt Nam còn là một trong những thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á giảm điểm mạnh nhất trong quý 1 khi mất 31%. Dù bước sang quý 2, VN-Index hồi phục mạnh với 24,5% nhưng tính chung đến hết tháng 7.2020, chỉ số VN-Index vẫn giảm 16,92% so với cuối năm 2019.
Tương tự sau 7 tháng, chỉ số UPCoM-Index mất 1,3% so với cuối năm 2019 và riêng HNX-Index tăng 4,88%. Cơn lao dốc của nhiều cổ phiếu trong quý đầu năm nay khiến nhiếu nhà đầu tư (NĐT) bị “cháy” tài khoản nên cơ hội gỡ lại không hề dễ. Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 9.3, VN-Index bốc hơi 6,27% và ghi nhận là phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với vàng, nhiều NĐT vẫn bị ám ảnh khi chỉ trong vòng vài ngày nửa đầu tháng 8, mỗi lượng vàng miếng đã bay hơi cả chục triệu đồng. Hơn nữa, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng của SJC cũng được đẩy lên kỷ lục gần 4,7 triệu đồng/lượng khiến người mua lỗ ngay sau khi mua vào. Việc lao dốc lẫn chênh lệch giá mua bán của vàng miếng tại Việt Nam đều lập mức kỷ lục khiến các NĐT cá nhân dễ dàng thua lỗ dù vàng đã tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm nay.
Giao dịch trên thị trường bất động sản trong quý 2 vừa qua tăng mạnh trở lại. Ảnh Đ.Ngọc Thạch
Anh Trung Việt (Q.1, TP.HCM) cho biết anh đầu tư cả cổ phiếu, vàng nhưng đều “không ăn thua”. Bởi cổ phiếu mua từ đầu năm đến nay vẫn chưa hòa vốn. Riêng vàng vì mua lúc cao trên 50 triệu đồng/lượng nên khi bán tính ra lời được khoảng 8% nhưng do không dám bỏ vốn quá nhiều nên con số thực tế thu vào “chỉ đủ bữa nhậu”. “Tôi cũng để một khoản tiền mặt trong ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng để khi có cơ hội sẽ đầu tư vào bất động sản (BĐS). Bởi theo dự báo, BĐS vẫn là kênh có lợi nhuận cao nhất mà ít bị “đau tim” như bỏ vốn lướt vàng hay chứng khoán…”, anh Trung Việt nói.
Cùng chung quan điểm đó, chị Thanh Ngọc (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang tìm cơ hội đầu tư nhà, đất chia sẻ: “Hiện một số ngân hàng chào cho vay cá nhân với lãi suất không quá 10%/năm, thậm chí có nơi chỉ tính lãi 7 – 7,5% cho năm đầu tiên. BĐS dễ sinh lời mà không cần phải nhức óc theo dõi biến động giá hằng ngày, rồi tính toán nên mua hay bán như vàng. Vàng vừa mua xong lỡ rớt giá mạnh thì lỗ đậm chứ tôi thấy bao lâu nay BĐS chỉ có đứng hoặc tăng, không có chuyện thua lỗ”, chị Thanh Ngọc nhận xét.
Giao dịch bất động sản vẫn tăng
Báo cáo về thị trường BĐS quý 2/2020 của Bộ Xây dựng cho thấy giá bán bình quân trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% và nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý 1/2020. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% và nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý 1/2020. Đáng chú ý, qua tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 2 bình quân trên cả nước tăng khoảng 30 – 40% so với quý 1 như tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công, tăng 16% so với quý đầu năm và tại TP.HCM có 3.958 giao dịch thành công, tăng 40,6%…
Ghi nhận từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy trong quý 2 vừa qua, các sàn giao dịch BĐS đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại. Tính đến thời điểm này, ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%. Như vậy, sau đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 thì số lượng sàn giao dịch BĐS hoạt động có xu hướng tăng. Bộ Xây dựng nhận định: “Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường BĐS trong quý 2/2020 đang dần hồi phục. Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng thị trường BĐS vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại BĐS nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn”.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm nhanh trong khi hoạt động kinh doanh sản xuất lại gặp khó khăn do bị tác động của dịch Covid-19. Bản thân các ngân hàng phải đẩy mạnh cho vay ở phân khúc khách hàng cá nhân nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng trong năm nay, duy trì lợi nhuận. Hơn nữa, dịch bệnh chủ yếu gây khó khăn phần lớn cho người có thu nhập thấp. Riêng phân khúc người có thu nhập khá trở lên ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội thì vẫn có thu nhập ổn định nên nhiều người vẫn có lượng tiền mặt lớn. Hơn nữa, theo ước tính trong gần 20 năm qua, tỷ suất lợi nhuận bình quân của BĐS khoảng 23%/năm nên đây là kênh đầu tư luôn được ưa chuộng của nhiều người dân Việt Nam.
Ví dụ trước đây nhiều cá nhân phải đi vay với lãi suất 11 – 12%/năm thì nay có thể vay được tiền với lãi suất chỉ 8 – 9%/năm, thậm chí nhiều nơi còn cho ưu đãi chỉ 7%/năm đã kích thích nhiều người mạnh dạn vay vốn đổ vào BĐS.
TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh với nhiều NĐT cá nhân một khi đã đủ tiền để mua miếng đất, căn hộ chung cư… thì họ sẽ chuyển sang mua ngay mà không cần băn khoăn vì cơ hội sinh lời cao hơn hẳn so với những khoản đầu tư khác. Đặc biệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi trở lại thì BĐS thường sẽ tăng trưởng nhanh trở lại, nhất là những khu vực đã có quy hoạch, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư uy tín…
Theo Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở hoàn thành, đủ điều kiện bán trong quý 2/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tại Hà Nội có 16 dự án với tổng số 7.408 căn nhà, giảm 21,3% so với quý 1; Tại TP.HCM có 8 dự án với tổng số 3.958 căn nhà, giảm 40% so với quý 1/2020 và giảm 5,8% so với quý 2/2019.
(Theo Thanh niên)