Theo dự báo của các chuyên viên Chứng khoán BSC, nguồn cung bất động sản thương mại sẽ hồi phục dần vào nửa cuối năm nay trong điều kiện Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Bất động sản thương mại đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, Mã: BSI), tỉ lệ mở bán các dự án bất động sản (BĐS) tiếp tục ở mức thấp trong quí II vừa qua.
Cụ thể, số lượng sản phẩm mở bán ở thị trường TP HCM chủ yếu đến từ dự án Akari City (chiếm 48%). Đáng nói, dự án này đã được giới thiệu từ quí III/2019 và được đặt chỗ 100%.
Trong khi đó tại thị trường Hà Nội, phần lớn các sản phẩm mở bán đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án đầy đủ pháp lí đã được mở trước đó.
Nhóm bất động sản – du lịch cũng tiếp tục bị ảnh hưởng nặng. Tỉ lệ lấp đầy của các khách sạn ở TP HCM và Hà Nội đều giảm do các chuyến bay quốc tế hiện đang bị đóng băng.
Quí II/2020 cũng là thời điểm chứng kiến sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Trong đó, Đất Xanh báo lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2009; Nam Long ghi nhận doanh thu thấp nhất kể từ cuối quí III/2015; doanh thu thuần trong quí II của TTC Land và Netland lần lượt giảm 66% và 38% so với cùng kì,…
Xuất hiện yếu tố tác động xấu đến nhu cầu mua nhà
Theo BSC, trong bối cảnh giá bán của các dự án vẫn duy trì mức tăng, tỉ lệ hấp thụ dự án vẫn ở mức tương đối cao cho thấy nhu cầu thị trường tương đối lớn khi nguồn cung được siết chặt.
Do đó, trong điều kiện Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, BSC dự báo nguồn cung thị trường bất động sản thương mại trong nửa cuối năm sẽ phục hồi dần nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kì.
Dự kiến, tổng nguồn cung của thị trường TP HCM khoảng 20.000 sản phẩm và thị trường Hà Nội khoảng 10.000 sản phẩm.
Mặt khác, BSC nhận thấy có xu hướng dịch chuyển từ bất động sản trong trung tâm thành phố sang khu vực tỉnh và những rủi ro đối với doanh nghiệp đang có nhiều dự án ở khu vực tỉnh hoặc căn hộ phân khúc cao cấp mang tính đầu cơ cao do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những yếu tố này sẽ có tác động xấu tới nhu cầu mua nhà trong tương lai khi dòng tiền cũng như thu nhập của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Do đó, điểm then chốt trong việc cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp sẽ đến từ mức độ hấp thụ của các dự án mở bán mới sau khi bệnh dịch được kiểm soát.
Dòng tiền của doanh nghiệp bị đe dọa bởi làn sóng COVID-19 thứ hai
BSC cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản năm 2020 sẽ có sự phân hóa rõ nét theo số lượng sản phẩm bàn giao nhờ các dự án đã mở bán trong năm 2017- 2018.
Bên cạnh đó, cơ cấu sức khỏe tài chính của ngành bất động sản thương mại tương đối lành mạnh hơn so với giai đoạn khủng hoảng năm 2008.
Do đó, dù đang chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh, BSC vẫn duy trì quan điểm trung lập đối với cổ phiếu ngành bất động sản thương mại năm 2020.
Đồng thời, BSC kì vọng việc đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông pháp lí sẽ giúp tình hình của các doanh nghiệp bất động sản lạc quan hơn trong năm 2021.
Ở chiều ngược lại, BSC lưu ý đến kịch bản “làn sóng thứ hai” của dịch COVID-19 sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn về dòng tiền nếu việc tổ chức mở bán bị hoãn lại hoặc nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.
Hoàng Huy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng