Không ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng chậm hoàn thiện do thị trường trầm lắng nhưng giá lại tăng cao, bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới được chuyên gia dự báo, vẫn chưa thoát khỏi trầm lắng.
Lý giải về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm, Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển DKRA Group Võ Hồng Thắng cho biết, trước áp lực về lạm phát, lãi suất, cũng như nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn chưa được tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư có tâm lý thận trọng khi đưa sản phẩm ra thị trường và liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do chưa đạt lượng đặt trước như kỳ vọng.
Cũng theo ông Thắng, đối với những dự án mở bán, giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với tháng trước. Một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30-40% và hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc để hỗ trợ khách hàng, nhưng vẫn không kéo thị trường ra khỏi trạng thái “ngủ đông”.
Thông tin về thị trường bất động sản quý I năm nay, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong quý này có 20 dự án du lịch, nghỉ dưỡng được chào bán, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Nguồn cung sụt giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt dự án đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch để chờ đợi, quan sát thêm trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm căn hộ du lịch (condotel) gần như vắng bóng trên thị trường. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 7% .
Mặt bằng giá sơ cấp bất động sản nghỉ dưỡng được chủ đầu tư điều chỉnh tăng so với cuối năm ngoái, quay trở lại với mức giá chào bán vào quý I, quý III/2022.
Đồng thời, không ít chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu thị trường. Một số chủ đầu tư áp dụng chiết khấu lên đến 40% giá chào bán.
Diễn biến này gây nhiều bất ngờ, bởi thời gian qua, bất động sản nghỉ dưỡng chưa có tín hiệu khởi sắc, có dấu hiệu phục hồi chậm hơn so với các phân khúc còn lại. Chưa kể các vấn đề pháp lý với bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang là trở ngại lớn cho các chủ đầu tư phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch VARS – việc ban hành Nghị định số 10 của Chính phủ ngày 3/4 vừa qua, có ý nghĩa rất lớn trong việc tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cụ thể là cho người mua condotel và văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh phân khúc này thời gian qua bị “chìm vào trong giấc ngủ dài” do vướng mắc về pháp lý.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, điều này cũng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn được đánh giá rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, cần phải có hướng dẫn hết sức chi tiết, cụ thể, dễ xử lý những vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Dự báo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới, Chủ tịch VARS cho biết, thị trường này khó “đảo chiều” và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình. Diễn biến thị trường phụ thuộc vào pháp lý, dòng tiền và sự tăng trưởng của du lịch.
Cũng thông tin về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, báo cáo mới đây của DKRA Group cho thấy thanh khoản bất động sản này liên tục sụt giảm do ảnh hưởng bởi khó khăn chung trên thị trường. Riêng 2 tháng đầu năm nay, nguồn cung của các phân khúc nghỉ dưỡng ghi nhận mức thấp nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, cả nước chỉ ghi nhận 3 căn biệt thự nghỉ dưỡng mới và duy nhất một căn được giao dịch. Còn shophouse nghỉ dưỡng có 6 căn mới ra thị trường, mức thấp nhất từ trước tới nay. Vậy nhưng, thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch nào đối với loại hình này.
Đáng chú ý, phân khúc condotel không ghi nhận dự án mở bán mới. Thị trường gần như “đóng băng” sau những tín hiệu hồi phục tích cực giai đoạn đầu năm 2022.
Tổng Hợp
(Dân Trí)