Trong khoảng hai năm trở lại đây, TP HCM có rất ít các dự án mới được phê duyệt. Những dự án từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý kéo dài. Trái lại, thị trường bất động sản các khu vực lân cận TP HCM lại phát triển mạnh.
Nguyên nhân chính là việc nguồn cung tại TP HCM giảm mạnh cùng với đó là xu hướng các doanh nghiệp lớn dịch chuyển ra vùng ven để làm các đô thị có quy mô lớn đã kéo theo làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển về vùng ven.
Bên cạnh đó, những yếu tố tác động từ chiến tranh thương mại đang tạo nên một làn sóng chuyển dịch sản xuất về Việt Nam khiến cho phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển mạnh. Kéo theo đó, loại hình đô thị phục vụ cho các khu bất động sản công nghiệp có nhiều điểm sáng.
Báo cáo mới đây của DKRA cũng cho biết, năm 2020, trong khi thị trường bất động sản tại TP HCM vẫn duy trì đà sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thì vùng phụ cận với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai,… lại có sự phát triển đáng chú ý.
Tại Bình Dương, nguồn cung mới lên đến 5.627 sản phẩm đất nền và khoảng 10.526 căn hộ. Trong khi đó, Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới nhà phố/biệt thự với 2.749 căn.
Dự báo về kịch bản năm 2021, DKRA Việt Nam cho rằng, đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh TP HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) chỉ ra rằng, việc đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành tại Đồng Nai và phát triển TP Thủ Đức, cộng với hàng loạt tuyến cầu, đường kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP HCM đã tạo sóng cho thị trường bất động sản các tỉnh thuộc khu vực này.
Cụ thể, tại Bình Dương, các TP trực thuộc tỉnh có lợi thế tiếp giáp với TP HCM (trong đó có TP Thủ Đức) và đang có tiềm lực phát triển kinh tế như Thuận An, Dĩ An đang trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình dự án nhà ở chung cư có giá phù hợp. Đây là loại sản phẩm mà TP HCM hiện đang thiếu và tiêu thụ rất tốt.
Thep thống kê của VARs, giá căn hộ trong năm 2020 tại Bình Dương đã bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp thời kỳ dịch COVID-19. So với năm 2019, giá căn hộ trung bình khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức 30 – 35 triệu đồng/m2, thậm chí là 37 – 38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%).
Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP HCM và bản thân tỉnh đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là việc đầu tư sân bay Long Thành đã khiến các dự án đất nền tại đây phát triển mạnh.
Kéo theo đó, giá đất cũng tăng trưởng mạnh. Nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 – 14 triệu đồng/m2 thì năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng lên mức hơn 100 triệu đồng/m2.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đây cũng là tỉnh tiếp giáp TP HCM và có lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra thế giới. Thời gian qua, sự phát triển ngày càng hoàn thiện và đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông đang góp phần giúp thị trường bất động sản tại những khu vực này “thay da đổi thịt”.