Biến động của thị trường bất động sản luôn thu hút sự quan tâm không chỉ của riêng nhà đầu tư mà cả xã hội, bởi nó tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Bất động sản được kỳ vọng sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững…
Những quy định mới trong Nghị định 44/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững.
Theo đó, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Việc công bố các số liệu thống kê về nhà ở và thị trường bất động sản là bắt buộc để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, từ ngày 15/8 tới, mọi thông tin về dự án bất động sản phải được các chủ đầu tư công khai minh bạch như diện tích, pháp lý, tổng vốn đầu tư, loại hình bất động sản… Thậm chí các thông tin về kinh doanh cũng phải công bố, từ số lượng căn bán được trong kỳ, giá bán, giá cho thuê đến lượng tồn kho.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng sẽ công bố các thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc tại hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản định kỳ hàng quý.
Ngày cuối cùng của quý, các số liệu thống kê như tổng số dự án bất động sản được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, khởi công; số lượng, diện tích các loại bất động sản của dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; số lượng các loại bất động sản của dự án được giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản; chỉ số giá giao dịch bất động sản; số lượng giao dịch bất động sản sẽ được công bố…
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc ban hành Nghị định 44/2022/NĐ-CP có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thị trường bất động sản.
Những thông tin được công khai sẽ giúp ích cho Nhà nước, doanh nghiệp, các khách hàng và nhà đầu tư. Theo đó, Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin thị trường, kiểm soát các đợt sốt đất ảo và giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Trong khi đó, khách hàng mua bất động sản cũng sẽ có thông tin để xác minh lại về dự án, tính pháp lý, tiềm năng đầu tư.
“Sau khi đi vào thực tiễn, Nghị định 44 sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc minh bạch thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Đây cũng là động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm từng bước thực hiện các chính sách mới liên quan đến thị trường đã được định hướng trong Nghị quyết 18-NQ/TW như đánh thuế bất động sản, định giá đất theo giá thị trường…”, ông Đính khẳng định.
Trong bối cảnh thị trường đang có nhiều thông tin nhiễu loạn, thì phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba cùng 22 bị can vào ngày 12/8 tới đang thu hút sự chú ý của dư luận vì đây là vụ án đã để lại hậu quả rất lớn.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa để bán cho 4.361 bị hại, chiếm đoạt số tiền 2.264 tỷ đồng.
Thủ đoạn của các bị cáo trong vụ án Công ty Alibaba là đứng ra thâu tóm đất nông nghiệp với giá rẻ. Sau đó, các lô đất được Nguyễn Thái Luyện cùng người thân của mình phù phép bằng cách vẽ lên những dự án “ma”, đánh vào tâm lý khách hàng muốn mua nhà đất giá rẻ. Nhóm này tự làm hạ tầng như làm đường, dựng cột điện… trên đất nông nghiệp mà không dựa vào quy hoạch và xin phép.
Không chỉ vụ án Công ty Alibaba, do thiếu thông tin khiến hàng ngàn bị hại sập bẫy, mà những lần sốt đất liên tục diễn ra thời gian qua cũng chung một kịch bản, đó là do thiếu thông tin chính xác và thiếu cảnh báo kịp thời của cơ quan chức năng. Các đối tượng gây ra cơn sốt không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền vẫn có thể tạo sóng thị trường bất động sản để trục lợi, để lại hệ lụy rất lớn khi cơn sốt qua đi.
Tổng Hợp