Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đề nghị Chính phủ không siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bởi kênh trái phiếu là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp ngành giảm khó khăn, có cơ hội vượt qua tác động của dịch Covid-19.
Đây là một trong những nội dung đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được HoREA hoàn thành vào ngày 23-4. Nội dung này được chuẩn bị nhằm phục vụ một hội nghị sắp được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng với doanh nghiệp nhằm đưa ra giải pháp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 để phục hồi nền kinh tế.
Bất động sản trông chờ vào kênh trái phiếu
Theo HoREA, năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 38% trong tổng số trái phiếu được huy động. Trong đó, có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 03 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% (tương đương lãi suất vay ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Quí 1 vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 20.474 tỉ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 10,8%/năm, cũng tương đương lãi suất vay ngân hàng.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp nhà đất ở TPHCM cho rằng hiện nay đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, trong đó, có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quan điểm của hiệp hội, rất cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu. Nhưng cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid-19 hiện nay, HoREA đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.
Hiệp hội trên còn đề nghị các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Bởi thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 và các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ, nên các ngân hàng thương mại chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN, để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỉ đồng.
Ngoài ra HoREA còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước, như sau: đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn; đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.
Thêm nữa, HoREA còn đề nghị Chính phủ cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất bởi Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ này. Đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu, thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TPHCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra. Để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và cải thiện môi trường kinh doanh…
Thị trường trái phiếu vẫn tăng nhẹ
Trong một diễn biến khác, theo Báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 kiến tăng trưởng GDP trong quí 1 đạt 3,8%, đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong quí này vẫn duy trì tăng trưởng khá ổn định.
Cụ thể, trên thị trường có 65 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 46.000 tỉ đồng và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn đầu với giá trị huy động 20.319 tỉ đồng. Sau đến là nhóm ngành hàng không với giá trị huy động 4.000 tỉ đồng, nhóm xây dựng và vật liệu đạt 3.213 tỉ đồng, nhóm ngân hàng đạt 940 tỉ đồng và các nhóm ngành khác là 17.486 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quí 1 cũng duy trì ở mức ổn định từ 9-11% trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm trên thị trường đang có xu hướng giảm. Theo báo cáo, thị phần tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp tập trung gần 70% vào 5 công ty lớn, bao gồm SSI và TCBS, HDBS, Apec và Aseansc.
Với mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững, minh bạch, Bộ Tài Chính mới đây đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP theo hướng nâng cao quy định về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp, qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, khả năng quản lý giám sát đồng thời giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Nguồn SaigonTimes: https://diaoc.thesaigontimes.vn/302852/bat-dong-san-de-nghi-khong-siet-kenh-trai-phieu-de-du-luc-vuot-kho.html