Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang rơi vào trạng thái “đóng băng”, giảm cung, giảm cầu, thanh khoản lao dốc… Đây cũng là lý do tại sao thời gian gần đây chúng ta nghe nhiều tới “giải cứu thị trường bất động sản”. Bất động sản đang đóng góp khoảng 5% GDP và có tác động tới khoảng 40 ngành nghề trong nền kinh tế.
Cụm từ này phần nào đúng bản chất nhưng lại mang ý nghĩa tiêu cực. Thời điểm hiện tại của thị trường bất động sản làm chúng ta liên tưởng tới một giai đoạn dài khó khăn trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 về thí điển xử lý nợ xấu của Quốc hội năm 2017 đã thay đổi căn bản quan niệm từ “nợ xấu là của ngân hàng” sang “nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế”.
Thanh khoản thị trường yếu dần dù đang trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm, các dự án mới đều giao dịch chậm. Theo báo cáo bất động sản nghỉ dưỡng mới nhất của DKRA Vietnam tháng vừa qua, có 56 căn biệt thự biển được tiêu thụ, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, thanh khoản thị trường BĐS đã rơi vào thời kỳ giảm tốc từ tháng 4/2022 và ngày càng ảm đạm. Hiện nay, thanh khoản của thị trường đang ở mức cực kỳ thấp, chỉ bằng 10-20% so với thời điểm tháng 4/2022. Riêng tại TP.HCM với các phân khúc biệt thự, nhà phố, đất nền… thì cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ chỉ bằng từ 9-30% so với giai đoạn trước.
Trên thị trường cũng ghi nhận nhiều nhà đầu tư kẹt dòng tiền khi chạy theo những cơn sốt đất ở các tỉnh đang chấp nhận bán cắt lỗ, giảm giá đến 40-50% so với cuối năm ngoái nhưng thị trường cũng “trắng” thanh khoản. Những người không vay tiền để đầu tư BĐS thì giờ cũng đang kẹt vốn trong đất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, 3 vấn đề cần phải giải quyết ngay là hoàn thiện luật, khơi thông vốn, cải thiện nguồn cung.
Cần làm rõ rằng, tắc nghẽn dòng tiền đang là vấn đề của cả nền kinh tế, các thị trường có tính liên thông với nhau. Khi tiền kẹt trong bất động sản, chứng khoán, trái phiếu không thể đi vào lưu thông, các tài sản giảm giá sẽ dẫn tới hệ luỵ cho cả các chỉ số về tiêu dùng, sản xuất, đằng sau đó là thu ngân sách, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế.
Tại ngày 30/9/2022, thống kê từ 15 doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết cho thấy, tổng lượng tồn kho là gần 261.000 tỷ đồng, tương đương 10,4 tỷ USD, tăng gần 7,4% so với quý trước và tăng hơn 28% so với cùng kỳ.
Đặt vấn đề có hay không cần “giải cứu” thị trường BĐS, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Không nên đặt vấn đề “giải cứu” bất động sản, dẫn tới hình ảnh thiếu thiện cảm trong tiếp cận vấn đề.
“Con số có thể thống kê được là BĐS trực tiếp đóng góp khoảng 5% GDP nhưng thực tế nó có tác động lan toả tới hơn 40 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, gắn bó trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ. Với tác động lan toả và có tính liên thông, không thể đặt vấn đề phiến diện là cứu thị trường bất động sản mà đây là cứu cả nền kinh tế”, ông Thiên nói.
TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh đừng quá lo sợ lạm phát, phải bơm tiền ra để doanh nghiệp có vốn hoạt động, phục hồi nền kinh tế.
Thấu hiểu vai trò của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, cần có một cách tiếp cận khác với lạm phát. “Ổn định vĩ mô trước tiên là lạm phát đạt mục tiêu đề ra; thứ 2 là doanh nghiệp phải “sống” được, nghĩa là phải có tiền để duy trì hoạt động, nếu không cũng sẽ “loạn”, cũng dẫn tới bất ổn vĩ mô. Chúng ta chưa có lạm phát, vì vậy, cũng không phải sợ lạm phát. Điều quan trọng thời điểm hiện tại là lo cho sự sống còn của doanh nghiệp, cần bơm vốn ra để cứu nền kinh tế”, ông Thiên nói.
Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bơm vốn cũng là cách giúp giảm nợ xấu. Nợ xấu nằm trong hệ thống ngân hàng hiện nay chủ yếu là bất động sản. Rất nhiều dự án đang mắc kẹt, không có tiền để tiếp tục triển khai, hoàn thiện, dẫn tới không đủ điều kiện vay ngân hàng. Đó là một vòng xoáy. Khi có dòng tiền doanh nghiệp sẽ giải quyết được khó khăn nêu trên, từ đó giảm bớt được nợ xấu.
Thống kê cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS luôn đứng thứ 2 trong thu hút FDI. Vì vậy, vực dậy thị trường BĐS cũng làm cho môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn, giúp thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dòng vốn trên thế giới đang trong quá trình dịch chuyển mạnh mẽ.
Doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết; doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
HoREA đã đề xuất giải pháp ngắn hạn và trung hạn đối với thị trường bất động sản.
Về đề xuất giải pháp ngắn hạn, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 02 nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội xem xét quyết định một số cơ chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, như sau:
Để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản, nhà ở (M&A) và để xử lý các dự án bất động sản, nhà ở bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển nhượng dự án bất động sản được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” (theo quy định tại điểm o khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/07/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14) để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ), bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Tạp Chí Thương Trường)