Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được nhận định sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2021. Nhưng, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra.
Bên cạnh triển vọng khá sáng sủa của bất động sản công nghiệp, thì bất động sản phục vụ mô hình nghỉ dưỡng kết hợp du lịch, giải trí và chăm sóc sức khỏe tại chỗ cũng có cơ hội phục hồi và sẽ có thể nở rộ trong thời gian tới.
Kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2021 sẽ có sự tăng trưởng đáng kể hơn so với năm 2020, khi mà vắc-xin phòng ngừa Covid-19 sắp triển khai rộng rãi trên toàn cầu. Đây là chất xúc tác có thể lan toả đến toàn thị trường ở các phân khúc khác, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng đón chờ cơ hội từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhận định về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thời gian tới, các chuyên gia dự báo rằng trong năm 2021, thị trường này sẽ có rất nhiều những kỳ vọng khác nhau về tăng trưởng kinh tế, nhưng con số chung vẫn là từ 6-7%. Với nền tảng đó, thị trường bất động sản sẽ có sự tăng trưởng ở tất cả các phân khúc.
Bên cạnh đó, có rất nhiều chuyên gia cho rằng ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, cũng như sự đa dạng sản phẩm. Đây cũng là điều cốt lõi kéo theo và tăng lượng khách mới, khách thân quen trở lại du lịch tại Việt Nam trong năm 2021.
Theo các chuyên gia, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. Tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn nhờ tạo dựng được niềm tin trong giai đoạn chống dịch, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và sự tăng trưởng kinh tế cao.
Không thể phủ nhận rằng, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng các phân khúc bất động sản năm 2020 vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều nguyên nhân cho sự tăng giá này, nhưng theo ông nguyên nhân chính là nguồn cung khan hiếm hơn giai đoạn trước. Nhiều dự án phải rà soát theo quy định của hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo điều kiện pháp lý, từ đó dẫn đến tiến độ xây dựng chậm hơn và nguồn cung ít đi.
Công nghiệp đang là trọng tâm
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, với những lợi thế của mình, như ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công cuộc số hóa nền kinh tế…, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là nơi đầu tư ổn định, an toàn.
Trong suốt một thời gian dài, bất động sản luôn là lĩnh vực có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến – chế tạo. Dù vậy, năm 2020, trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, sự trì trệ và khủng hoảng của kinh tế thế giới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sụt giảm nhất định.
Đại diện Savills cho rằng, hầu hết các nhà đầu tư quan tâm đến hai thành phố chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng có không ít các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các địa điểm khác như TP. Hải Phòng; họ cũng khá quan tâm đến cơ hội đầu tư dành cho BĐS công nghiệp trên phạm vi cả nước.
Với nhóm doanh nghiệp trong nước, ghi nhận đang có một số nhà phát triển BĐS chủ yếu tập trung vào BĐS nhà ở, trong khi một số nhà đầu tư chuyên biệt tập trung vào lĩnh vực năng động như hậu cần, công nghiệp.
Trong quá khứ, các nhà đầu tư chuyên biệt từng tập trung vào thị trường căn hộ hoặc nghỉ dưỡng. Với sự chuyển hướng sang lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, mà xu hướng chính là lưu trữ và kho vận công nghiệp, các nhà đầu tư chứng tỏ được ưu điểm cập nhật, nắm bắt được xu hướng và đa dạng hóa các cơ hội kinh doanh. Chi phí hậu cần, kho vận tại Việt Nam vẫn còn cao so với các khu vực khác.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, các nhà đầu tư bất động sản đến từ các nước châu Á – Thái Bình Dương đang săn tìm cơ hội ở Việt Nam nhiều hơn so với thị trường trong nước. Triển vọng nằm nhiều ở các phân khúc bất động sản công nghiệp.