Dù các giao dịch này vẫn đang trong giai đoạn được đàm phán và rà soát pháp lý nhưng đây vẫn được đánh giá là yếu tố tích cực bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của đất nước và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý kế tiếp.
Lượng giao dịch đã phục hồi 35% so với quý trước,và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động giao dịch đang tăng tốc trên một số thị trường chủ chốt trong khu vực khi các nhà đầu tư tự tin triển khai vốn hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong năm 2020, theo báo cáo của JLL.
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp – Công ty CBRE Việt Nam, so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam trở thành điểm sáng bởi sở hữu vị trí tiếp giáp, cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng cường đầu tư và có các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi đầu tư khác…
“Đây chính là cơ hội, là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đại diện CBRE Việt Nam, khu vực miền Bắc đã xuất hiện một số khu vực mới nổi về đất công nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Còn ở miền Nam, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận… sẽ là những khu vực mới nổi.
Số liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy, hiện nguồn cung đất phát triển kho vận bị hạn chế ở các vị trí đắc địa và kéo theo đó là giá thuê cao, tăng 20 – 30 % so với cùng kì năm ngoái.
Tại TP.HCM, một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất trước đây từ 150 USD/m2, nay đã tăng lên 300 USD/m2 đối với kì hạn thuê còn lại; Đồng Nai từng có mức giá chào thuê từ 100 USD/m2 nay đã tăng lên khoảng 155 USD/m2; Long An ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD/m2 lên khoảng 200 USD/m2…
Một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc dù có giá chào thuê thấp hơn phía Nam nhưng cũng ghi nhận tăng trưởng. Đơn cử như tại Hà Nội, giá thuê từ 155 USD/m2 đã tăng lên khoảng 260 USD/m2; Bắc Giang có giá chào thuê từ 55 USD/m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD/m2…
Trong khi đó, ông Hiếu cho rằng nhu cầu mở rộng không gian lưu trữ của các công ty thương mại điện tử tăng mạnh nên việc tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất là điều cần thiết. Do vậy, việc phát triển kho và xưởng cao tầng ở các khu vực đô thị sẽ là xu hướng tất yếu.
JLL vừa công bố báo cáo trong đó nhấn mạnh thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư; mảng trung tâm dữ liệu và hậu cần đang tăng tốc.
Cụ thể, bà Regina Lim – Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn, JLL châu Á – Thái Bình Dương – cho biết đã ghi nhận số lượng lớn nhà đầu tư tái khẳng định “khẩu vị” của họ đối với các tài sản và bất động sản hậu cần và trung tâm dữ liệu.
“Chúng tôi lạc quan rằng quý cuối năm sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn trong phân khúc công nghiệp và nhà ở tại những thị trường trên đà phục hồi như Singapore và Việt Nam” – bà Regina Lim nói.
Báo cáo của JLL cũng đưa ra số liệu cho thấy, hoạt động đầu tư bất động sản châu Á – Thái Bình Dương có dấu hiệu phục hồi trong quý 3 năm 2020. Cụ thể, có 35 tỷ USD giao dịch trực tiếp được cam kết trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020.
Một số xu hướng đầu tư nổi bật trong năm 2020, theo JLL, đó là trong quý 3, thị trường công nghiệp hoạt động mạnh mẽ với lượng giao dịch tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được thúc đẩy bởi các giao dịch về trung tâm dữ liệu và hậu cần. Các tài sản này lần lượt chiếm 70% và 31% giao dịch tại Nhật Bản và Trung Quốc.
Dịch bệnh Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do Việt Nam được xem là “cường quốc công nghiệp mới ở khu vực”. Điều này theo JLL sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do tác động của cuộc thương chiến Mỹ – Trung và các yếu tố địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Mỹ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này.
Theo ông Võ Thành Thống, từ những rủi ro do sự phụ thuộc vào một số trung tâm cung ứng lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các địa điểm khác, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những doanh nghiệp hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, nhận thức được thực tế đó, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.