Tin quảng cáo, người mua nhà ôm nợ; TP.HCM: Khung giá đất chênh lệch lớn so với thực tế; Giai đoạn bình thường mới lần 2: Cơ hội nào cho nhà đầu tư bất động sản?… là tin tức đáng quan tâm 24h qua.
Giai đoạn bình thường mới lần 2: Cơ hội nào cho nhà đầu tư bất động sản?
Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động giao dịch mua bán, triển khai dự án của doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện. Giai đoạn bình thường mới lần 2 đã trở lại, đem đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Dịch Covid-19 bùng phát lần 2, một số phân khúc sản phẩm khó tránh khỏi những tác động “đóng băng” dây chuyền, song vẫn có nhiều tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản sẵn sàng phục hồi ngay trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Đối với các sản phẩm nhà ở chung cư, theo báo cáo thị trường tháng 8 của Batdongsan.com.vn, bất chấp đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19, nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến các sản phẩm bất động sản vẫn duy trì ở mức cao, không giảm nhiều so với các tháng trước đó. Cụ thể, so với thời điểm tháng 7, nhu cầu tìm kiếm nhà đất trên cả nước trong tháng 8 có xu hướng tăng trở lại dù thị trường có phần bình lặng hơn vì tháng Ngâu. Dữ liệu cho thấy lượng quan tâm, tìm kiếm bất động sản cả nước tăng thêm 6%.
Tại Hà Nội, lượng tin rao bán nhà dù giảm 2% so với tháng trước nhưng nhu cầu tìm kiếm nhà đất tăng đột biến đến 13%. Tương tự, tại TP.HCM, các sản phẩm nhà đất chào bán giảm gần 8% so với tháng trước nhưng nhu cầu tìm mua tăng gần 6%
TP.HCM: “Tắc tiền sử dụng đất” làm “tắc sổ hồng” chung cư, lỗi tại ai?
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổng hợp số liệu từ 53 dự án thuộc 12 Tập đoàn và doanh nghiệp (trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015 – 2019) cho thấy, có đến 28.324 căn nhà và căn hộ đã bị chậm cấp “sổ hồng”.
Trước thông tin này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa nhận, hiện còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. HoREA nhận thấy, nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, thì số lượng căn nhà bị chậm cấp “sổ hồng” còn lớn hơn nhiều lần.
Mới đây, tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất”, nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc về việc cơ quan chức năng chậm cấp “sổ hồng” cho người mua nhà. Nguyên nhân là vướng khâu xác định tiền sử dụng đất trong khi đây không phải lỗi của chủ đầu tư và người dân.
Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM, nếu với các dự án bất động sản thực hiện ngoài TP.HCM, trung bình chỉ mất 3 – 4 tháng đã có kết quả thẩm định và phương án tính tiền sử dụng đất thì tại TP.HCM, hầu hết hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết xong hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng. Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chí, nếu doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất đến 5 – 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất.
TP.HCM: Khung giá đất chênh lệch lớn so với thực tế
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị giải quyết một số vướng mắc trong việc xác định, thẩm định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan kiến nghị Thủ tướng xem xét bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu, tối đa ban hành kèm theo Nghị định 96/2019 của Chính phủ.
Nguyên nhân được ông Hoan cho rằng khung giá đất hiện nay là cơ sở để thực hiện bảng giá đất nhưng lại đang thấp hơn giá thị trường nên bảng giá đất chưa tiệm cận với giá thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, quy trình xác định giá đất để thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và bồi thường khi nhà nước thu hồi đất được các công ty thẩm định giá khảo sát, thu nhập thông tin của tối thiểu 3 thửa đất.
Bất động sản du lịch Đà Nẵng khốn khó vì Covid-19
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết địa phương này đang có hiện tượng “treo bảng bán tháo” khoảng 250 khách sạn/biệt thự du lịch ngay mùa dịch Covid-19.
Thông tin này đang gây hoang mang thị trường địa ốc Đà Nẵng. Nhiều người tự hỏi phải chăng đây là hệ lụy sau một thời gian dài bất động sản du lịch Đà Nẵng “sống ảo”?
Số liệu ngành du lịch Đà Nẵng công bố cho thấy, số lượng cơ sở du lịch và dịch vụ rao bán chiếm đến 24,7% tổng số 1.080 khách sạn đã được thẩm định hoạt động, đánh giá cao chất lượng trong nhiều năm qua.
Trong số đó, có đến 955 khách sạn đã dừng hoạt động hoàn toàn trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua, chỉ còn khoảng 100 đơn vị hỗ trợ hoạt động lưu trú của các y bác sĩ, bệnh nhân điều trị bệnh.
Tin quảng cáo, người mua nhà ôm nợ
Hơn 1 năm nay, bà Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Nội) – khách hàng mua nhà tại Dự án Khu trung tâm thể thao, trường học, các công trình công cộng và Khu đô thị (KĐT) ở phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh (tên thương mại là Dự án KĐT Vườn Sen) vẫn chưa có buổi làm việc chính thức về việc thoả thuận hoàn trả 12 tỷ đồng tiền cọc.
Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Giao thông, bà Hạnh cho biết, do tin nhân viên tư vấn giới thiệu Dự án KĐT Vườn Sen do Cen Land (đơn vị thành viên của Cen Group) và Dabaco – một DN uy tín tại tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư nên ngày 22/5/2019 đã quyết định đặt cọc 8 lô nhà phố (shophouse), mỗi lô đặt cọc 100 triệu đồng, ký thỏa thuận trực tiếp với Cen Group. Sau đó, bà Hạnh đóng tiếp 2 đợt với tổng là 30% giá trị đất, tương đương gần 12 tỷ đồng.
Khi tới đợt 3 đóng tiếp 70% giá trị còn lại của hợp đồng, bà Hạnh đến trụ sở làm việc của Cen Land mới vỡ lẽ: Cen Land và Dabaco không phải là chủ đầu tư mà chỉ là sàn giao dịch, môi giới và làm hình ảnh.
Trước sự mập mờ về chủ đầu tư dự án, bà Hạnh đã yêu cầu làm rõ về pháp lý và hoàn trả lại số tiền đã đóng, nhưng từ tháng 9/2019 đến nay vẫn chưa được giải quyết theo yêu cầu. “Tiền bị găm tại dự án, bán cũng không được, trong khi tôi vẫn phải đi vay tiền trả lãi hàng tháng”, bà Hạnh nói.
Thùy Anh (tổng hợp)