Sắp tới mua bán sáp nhập BĐS sẽ diễn ra sôi động?; Thành phố Phía Đông mang lại nhiều cơ hội cho thị trường nhà ở chung cư… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Sắp tới mua bán sáp nhập BĐS sẽ diễn ra sôi động?
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, nếu dịch kéo dài, kinh tế ảnh hưởng thì nhiều dự án BĐS quy mô nhỏ của các chủ đầu tư tiềm lực yếu sẽ phải bán ra.
Theo ông Kiệt, thực chất làn sóng sáp nhập và mua bán BĐS đã diễn ra khá mạnh mẽ năm 2019, bước sang 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều CĐT khó khăn quyết định bán ra sản phẩm. Các NĐT có dòng tài chính mạnh thì đây chính là cơ hội để tìm quỹ đất cũng như dự án tiềm năng.
Ảnh minh họa
Nhất là thị trường khách sạn đang trong thế phòng thủ. Theo CBRE, làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 đã “dập tan hy vọng” về sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch và khách sạn trong năm nay. Nhu cầu du lịch trong nước chắc chắn sẽ giảm mạnh và khách du lịch nội địa cũng dè dặt hơn do những lo ngại leo thang về nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Sự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn do Việt Nam sẽ tiếp tục trì hoãn việc nối lại các chuyến bay quốc tế và tâm lý tránh du lịch nước ngoài khi dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Đơn vị này dự đoán tình hình hoạt động của khách sạn trong quý III sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý liền trước bởi Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ 2 và nhiều thành phố hoặc địa phương đang phải kiểm soát chặt để ngăn ngừa sự lây lan. Theo đó, chắc chắn thị trường phải tìm kiếm cơ hội thông qua M&A.
“Bắt bệnh” Hải Phát Invest
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát – Hải Phát Invest, tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hải Phát, được thành lập năm 2003. Công ty được thành lập trên cơ sở kết nối kinh doanh và thế mạnh vượt trội của từng cổ đông sáng lập.
Ngày 24/7/2018, 150 triệu cổ phiếu HPX của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát – Hải Phát Invest chính thức niêm yết và giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 26.800 đồng. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp tại thời điểm niêm yết đạt 4.020 tỷ đồng.
Trước khi được chấp thuận niêm yết trên HOSE, HPX đã có gần 15 năm hoạt động với vai trò là nhà phát triển bất động sản tại khu vực phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, với những dự án ghi dấu ấn trên thị trường như: Khu đô thị Tân Tây Đô, The Pride, Roman Plaza hay The Vesta Phú Lãm…
Không chỉ ở Hà Nội, Hải Phát Invest đã vươn mình ra nhiều địa phương khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình… với gần 200ha đất sạch sẵn sàng cho kế hoạch phát triển ổn định của Hải Phát Invest trong ít nhất 15 năm sắp tới.
Thành phố Phía Đông mang lại nhiều cơ hội cho thị trường nhà ở chung cư
TP.HCM đã có đề xuất phương án sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức ở phía Đông thành một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc TP.HCM với tên tạm gọi là “Thành phố Phía Đông” hoặc “Thành phố Thủ Đức”. Với vị trí chiến lược trong “tam giác vàng” giữa TP.HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, Thành phố Phía Đông sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận về mặt giao thông và các hoạt động thương mại.
Cùng với đó, những dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu đang được xây dựng, tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa Thành phố Phía Đông và các khu vực khác trong TP.HCM. Với những điều kiện này, thị trường căn hộ chung cư nơi đây có sức hút nhất định với nhà đầu tư và người mua ở thực.
Báo cáo từ CBRE cho hay, trong giai đoạn 2015 – 2020, giá bán căn hộ cao cấp trên thị trường sơ cấp tại quận 2 tăng trung bình 7,3% mỗi năm, vượt ngưỡng mức tăng trung bình của toàn thị trường. Mặc dù vậy thị trường căn hộ tại khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bỏ rơi thiết chế Công đoàn tại Quảng Nam?
Tháng 4/2017, tại tỉnh Quảng Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng Trường mầm non cho con công nhân lao động tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (TX. Điện Bàn).
Đây là một trong số các hạng mục thuộc Khu thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là 25.000 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.
Phần lớn diện tích dự án bị bỏ hoang, không mang lại hiệu quả cho người lao động
Phát biểu tại buổi lễ lúc bấy giờ, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, việc khởi công xây dựng Trường mầm non nói riêng và Khu thiết chế Công đoàn tại Quảng Nam là một trong những công trình quan trọng nằm trong chủ trương xây dựng khu thiết chế cho công nhân lao động của tổ chức Công đoàn trên cả nước suốt nhiều năm qua.
Ngày 21/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân trên cả nước” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đệ trình để đầu tư xây dựng trên cả nước. Theo đó, quy mô và quy hoạch đầu tư mỗi Khu thiết chế Công đoàn, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3-5ha, được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn KCN và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Theo công bố , dự án xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thuộc dự án Nhà văn hóa lao động Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, trên diện tích 4ha.
Bộ Xây dựng: Sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức
Vừa qua, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển đến. Nội dung như sau: Quy định nhà ở hiện nay còn có nhiều bất cập vì không nhắm đến các đối tượng khó khăn về nhà ở, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, giáo viên… có thu nhập thấp. Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm nhóm đối tượng này để tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp có nhu cầu mua nhà.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 51, Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nếu đáp ứng các điều kiện: về nhà ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng diện tích sàn nhà ở trung bình của hộ gia đình nhỏ hơn 10m2/người); điều kiện cư trú (có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội); điều kiện thu nhập (không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên), thì được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Theo đó, những đối tượng trên được quyền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương (có giá thành thấp hơn nhà ở thương mại cùng khu vực 20 – 30% do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước) và được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Hà Linh (tổng hợp)