Rà soát các dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở”; Quốc hội chính thức “khai tử” dự án BT… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Rà soát các dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở”
Trong đồ án quy hoạch 1/2000, khu vực bắc bán đảo Cam Ranh là đất thương mại dịch vụ, nhưng hiện nay tại khu vực này có 22 dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở”. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Ban quản lý Khu du lịch (KDL) Bán đảo Cam Ranh rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án này.
Theo Ban quản lý KDL Bán đảo Cam Ranh, tại KDL Bắc bán đảo Cam Ranh có hơn 40 dự án thì có đến 22 dự án đầu tư liên quan đến “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Trong đó, 17 dự án đã được UBND tỉnh giao đất, 5 dự án đã được duyệt nhưng chưa giao đất.
Trong số 17 dự án đã được UBND tỉnh giao đất, Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flower của Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài rộng 15,36ha; trong đó, “đất ở không hình thành đơn vị ở” rộng hơn 4,2ha. Đến nay, dự án mới hoàn thành công tác san lấp mặt bằng và một phần đường giao thông nội bộ để phục vụ công tác thi công; thi công các đường công vụ; lấp đất bề mặt để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa cho các nhà biệt thự; xây dựng phần sàn và phần khung của 20 căn biệt thự 2 tầng; thực hiện xong 41 cọc khoan nhồi của khối khách sạn 18 tầng. Lãnh đạo Ban quản lý KDL Bán đảo Cam Ranh cho biết, chủ đầu tư cam kết tháng 11-2018 hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng đến nay, khối lượng thi công không đáng kể, đã hết thời gian thực hiện theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
Quốc hội chính thức “khai tử” dự án BT
Chiều 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) chính thức bị loại bỏ.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật vì không đúng bản chất hợp tác công tư. Đồng thời đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì cho rằng thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt; có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
“Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng BT tại dự thảo luật”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Như vậy, kể từ thời điểm ngày luật này có hiệu lực (1/1/2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện.
TS. Nguyễn Minh Phong: “Phát triển kinh tế đêm là tất yếu”
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam có những thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, như có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu.
“Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch. Trên mọi miền đất nước đều có nhiều nơi có thể quy hoạch dành riêng cho việc tổ chức các chương trình hoặc dự án kinh tế đêm thu hút khách du lịch, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp”, vị chuyên gia nói.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, hiện nay, nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch và đầu tư thích đáng… nên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu là sản phẩm cứng, khá đơn điệu và chỉ tập trung từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, còn các sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển.
Thiết lập “sân chơi” minh bạch, chuyên nghiệp, an toàn cho nhân viên môi giới
Sau khi được pháp luật công nhận năm 2006, môi giới bất động sản trở thành loại hình dịch vụ chính thức trên thị trường bất động sản, là cầu nối giữa nhà đầu tư, chủ dự án với người có nhu cầu giao dịch bất động sản. Qua thời gian, lực lượng này trở thành một phần quan trọng, là nhân tố chính tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Có thể thấy, nhóm này đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 – 2018, thúc đẩy nhanh quá trình “phá băng” bất động sản của giai đoạn 2009 – 2014, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), hiện nay có gần 300.000 người làm nghề môi giới, chủ yếu tập trung ở hai thị trường là Hà Nội và TP.HCM (Hà Nội có gần 60.000 người, TP.HCM gần 100.000 người).
Trong số này, có 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn trên thị trường. Phần còn lại đa số là nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát dẫn tới tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và bán.
Sự phát triển nhanh của lĩnh vực môi giới bất động sản đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động này. Các văn bản pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Thông tư 11 đưa ra những yêu cầu chặt chẽ với nghề môi giới, tương tự ở các lĩnh vực tài chính khác.
Doanh nghiệp địa ốc nói gì về nhà thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2?
Thông tin Bộ Xây dựng đề xuất làm căn hộ thương mại giá thấp giá 20 triệu đồng/m2. Ngay lập tức, thông tin này gây sự chú ý trên thị trường BĐS, bởi đây quả thực là mức giá “rẻ bất ngờ” so với giá thị trường ở thời điểm hiện tại.
Về phía doanh nghiệp, liệu họ có sẵn sàng để phát triển dòng sản phẩm mà nhu cầu còn rất lớn trên thị trường? Thời gian gần đây, bên cạnh câu chuyện phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân có thu nhập thấp thì Bộ xây dựng cũng đề xuất, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp.
Cụ thể, trong quý 3 tới đây, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70m2 có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỉ đồng/căn (bao gồm cả VAT).
Theo đó, nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, chẳng hạn như: Giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỉ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỉ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay, được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành…
Hà Linh (tổng hợp)