Người mua bất động sản ngày càng trở nên thận trọng; “Khẩu vị” của nhà đầu tư bất động sản đã thay đổi trong mùa dịch; Sự bất định của thị trường bất động sản trước “bóng đen” Covid-19… là tin tức đáng quan tâm 24h qua
Người mua bất động sản ngày càng trở nên thận trọng
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, họ trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là vua nên việc xuống tiền họ sẽ trở nên đắn đo hơn.
Bên cạnh đó, ở một số loại hình BĐS khung pháp lý chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người mua BĐS. Chẳng hạn như condotel, 4 năm trôi qua vẫn chưa có khung pháp lý.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù gặp khó khăn từ cuối năm 2019, sang đầu năm 2020 nhưng doanh nghiệp bất động sản đã có sự chuẩn bị để vượt qua khó khăn ít nhất là giai đoạn này. Doanh số của các doanh nghiệp có lúc giảm tới 70-80% nhưng lượng lao động của doanh nghiệp vẫn không bị giảm nhiều. Có lẽ hỗ trợ mãnh liệt nhất chính là làm sao khống chế được dịch, hoạt động thị trường BĐS sẽ quay trở lại bình thường.
“Khẩu vị” của nhà đầu tư bất động sản đã thay đổi trong mùa dịch
Những năm qua cụm từ “xu hướng sống xanh” luôn xuất hiện dày đặc tại trên các kênh truyền thông bất động sản tạo nên xu thế sống đáng mơ ước. Khi môi trường sống góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, “chủ nghĩa” sống xanh hòa hợp thiên nhiên đang được hưởng ứng mạnh mẽ. Các sản phẩm bất động sản sở hữu được yếu tố này ngày càng gia tăng.
Xét thời điểm hiện tại, y tế toàn cầu đang đối mặt với dịch bệnh mới, xu hướng này một lần nữa là ưu tiên của nhà đầu tư. Tuy nhiên để tìm một sản phẩm phù hợp tiêu chí trên đã là không dễ dàng, tìm được sản phẩm kết hợp giữa giá trị sống xanh nội khu với môi trường đô thị xanh ngoại khu lại càng hiếm hoi hơn. Đặc biệt, với các dự án nhà ở trong tương lai đòi hỏi không chỉ là các ngôi nhà tiện nghi, sang trọng mà còn phải cung ứng cả một môi trường sống hoàn chỉnh đi kèm với các dịch vụ tiện ích phục vụ cuộc sống “tại chỗ” của người dân.
Theo đại diện Nielsen Việt Nam, dịch Covid-19 đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi và thói quen của người Việt. Cụ thể, 47% đã thay đổi thói quen ăn uống, hướng đến các thực phẩm tốt cho sức khỏe, tăng hệ miễn dịch, 60% thay đổi các hoạt động giải trí, vui chơi, hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt các khu bar, pub.
Sự bất định của thị trường bất động sản trước “bóng đen” Covid-19
Nhìn vào diễn biến trên thế giới dưới tác động của Covid-19, TS. Nguyễn Trí Hiếu từng ví khủng hoảng 2020 như một cuộc “đại hồng thủy” làm đảo lộn mọi trật tự và phá hủy nền kinh tế. Theo thống kê, GDP của Mỹ giảm 9,5% trong quý II so với quý I, tương đương với mức giảm 32,9% trong cả năm. Đây là mức giảm hằng năm sâu nhất được ghi nhận theo quý kể từ năm 1947. Nền kinh tế của các nước lớn khác như Nhật Bản, Trung Quốc, EU cũng không nằm ngoài dự đoán về mức tăng trưởng âm trong năm 2020.
Trong khi đó, làn sóng Covid-19 thứ 2 đã bắt đầu quay trở lại, tiếp tục làm suy thoái nền kinh tế nhiều nước phát triển, bào mòn những cánh cửa liên kết khu vực và vùng.
Bức tranh của thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm 2020 và bước sang năm 2021 đang dịch chuyển bất định và khó đoán. Nhìn chung, kịch bản không mấy tươi sáng đã được dựng lên là phần lớn nhưng le lói vẫn là niềm tin kỳ vọng vào sự kiểm soát Covid-19 sớm sẽ tạo đà cho sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng.
Cơ hội nào cho thị trường bất động sản trong sóng gió dịch bệnh?
Tại tọa đàm “Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi” diễn ra mới đây, bàn luận xoay quanh những khó khăn cũng như tìm cách tháo gỡ cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng đã có những số liệu cập nhật mới đối với thiệt hại riêng của lĩnh vực bất động sản và tác động lan tỏa của thiệt hại đó tới nền kinh tế nói chung.
TS. Lực cho hay, qua số liệu mới nhất mà ông có được thì hiện nay thị trường bất động sản đang đóng góp 4,5% GDP, nếu tính cả lĩnh vực xây dựng thì khu vực này đang đóng góp 5,5% GDP.
“Chỉ tính riêng 2 lĩnh vực này đã đóng góp 10% GDP, tuy nhiên đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như: Thái Lan hay các quốc gia ASEAN”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Theo đó, ngoài sự đóng góp trực tiếp, 4 lĩnh vực có sự lan toả của bất động sản bao gồm: Vật liệu xây dựng, du lịch, lưu trú và tài chính ngân hàng với mức đóng góp cho nền kinh tế là trên 20% GDP.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, điều cần nói nhiều hơn cả có lẽ chính là những khó khăn, thách thức để từ đó tìm ra phương án khắc phục. Đồng tình với quan điểm ấy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, họ đã trở nên thận trọng hơn.
TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra 3 khó khăn cơ bản của thị trường hiện tại: Thứ nhất, tiền mặt đang được coi là vua nên các nhà đầu tư sẽ đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi xuống tiền. Thứ hai là khung pháp lý cho bất động sản vẫn còn rất chậm trễ, ví dụ như mảng condotel, đã 4 năm rồi mà chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý. Thứ ba là thách thức đến từ các kênh đầu tư khác. Trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới giờ, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhà đầu tư nên rót vốn vào đâu?
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, nhà đầu tư không nên sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính, đặc biệt khi thị trường biến động quá khác thường như hiện nay.
Với BĐS, ông Đính cho rằng, BĐS luôn tăng giá, mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, rõ ràng có gì đó hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, họ có thể khai thác BĐS đó để cho thuê, vì vậy luôn có cơ hội để có nguồn thu. Đương nhiên BĐS cũng có rủi ro, cái gì có lợi nhuận tốt hơn cũng có rủi ro cao hơn.
Chia sẻ về việc với bối cảnh hiện nay, NĐT nên đầu tư vào đâu, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land phân tích, căn cứ trên kỳ vọng của khách hàng trong việc mang lại lợi nhuận mà họ đầu tư vào kênh nào. Theo bà Hương, BĐS vẫn là kênh ngoài lợi nhuận còn là kênh tích lũy tài sản mà được nhiều khách hàng quan tâm hiện nay.
Theo các chuyên gia, với bối cảnh như hiện nay, đầu tư vào phân khúc nào, người mua phải phải xác định nhu cầu của mình: Trung hạn, ngắn hạn, dài hạn cũng như nhu cầu để ở hay ở hay để kinh doanh. Lúc thị trường khó khăn lại là cơ hội cho người mua được hưởng những chính sách tốt từ người bán.
Thùy Anh (tổng hợp)