“Lướt sóng” bất động sản thời điểm này 90% là thất bại; Rủi ro nhìn từ việc doanh nghiệp cắt tóc gội đầu huy động 738 tỷ đồng trái phiếu… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
“Lướt sóng” bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
Đại dịch COVID – 19 kéo dài đã khiến thị trường bất động sản ít nhiều bị ảnh hưởng, theo các chuyên gia thời điểm này không còn là cuộc chơi của những nhà đầu tư lướt sóng.
Các chuyên gia cho rằng, trong vòng 12 – 18 tháng tới nhà đầu tư nên cẩn trọng với lướt sóng bất động sản
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường bất động sản thời gian qua đã có sự chậm nhịp. Những năm 2017 – 2018, chúng ta có thể chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường, nhà nhà đổ xô đầu tư bất động sản.Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, các chỉ số của thị trường ngay lập tức giảm xuống, lượng hấp thụ chỉ còn khoảng 70% so với năm 2018.
Ảnh minh họa
Ông Đính cũng cho rằng, thời gian qua chính sách của thị trường bất động sản cũng đã bộc lộ những yếu điểm. Nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, cũng như hạn chế phát triển các dự án ở các địa phương. Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM còn tới cả trăm dự án.
Cho đến đầu năm nay, với nhiều dự báo tích cực nhưng COVID-19 đã thay đổi hành vi đầu tư của người Việt. Xu hướng giữ tiền mặt được lựa chọn nhiều hơn thay vì đi đầu tư.
Đồng quan điểm, theo ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho rằng chính những yếu tố trên đã khiến dòng tiền lưu thông chậm và sẽ diễn ra sự sàng lọc lớn trên thị trường.
“Đầu tư ngắn hạn chỉ mang yếu tố thời điểm khi có các thông tin mới như công bố quy hoạch, nâng cấp hạ tầng… Còn thời điểm hiện tại, với các nhà đầu tư vốn yếu và có sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ dễ “lệch đường ray” – ông Quyết nhận định.
Rủi ro nhìn từ việc doanh nghiệp cắt tóc gội đầu huy động 738 tỷ đồng trái phiếu
Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới đây, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ, một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, làm đầu, gội đầu đã phát hành thành công lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào năm 2030 với tổng khối lượng phát hành 738 tỷ đồng vào ngày 25/8/2020. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh chính của Xích Lô Đỏ là cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Ngoài ra, công ty này còn đăng ký nhiều ngành, nghề khác như: Dịch vụ ăn uống; in ấn, cắt, xén giấy, đóng sách; tư vấn đầu tư; nghiên cứu thị trường; nhà hàng, phục vụ tiệc, hội họp, đám cưới; bán buôn, phục vụ đồ uống; bán buôn, bán lẻ thuốc lá, thuốc lào; quảng cáo; tổ chức hội nghị, hội thảo; xử lý dữ liệu; kinh doanh bất động sản, xây dựng.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2018 và 2019 của Xích Lô Đỏ đạt lần lượt là 26,6 triệu và 2,2 triệu đồng; mức lỗ tương ứng 62 triệu và 28 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 463 triệu đồng trên vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến tháng 6/2020, Xích Lô Đỏ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Sau đó 1 tháng, công ty đã tăng vốn lên 20 tỷ đồng.
Mới đây, Nghị định 81 về điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, trong đó có quy định các công ty khi phát hành trái phiếu cần đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (gồm vốn góp chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận để lại cùng các quỹ khác được trích lập trong thời gian hoạt động). Tuy nhiên, đợt phát hành trái phiếu của Xích Lô Đỏ diễn ra trước ngày 1/9 với mức dư nợ trái phiếu gấp 36,9 lần vốn điều lệ.
Thực tiễn, thị trường trái phiếu trong thời gian vừa qua đã ghi nhận cuộc chơi của rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Công ty chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu thống kê của FiinPro cho thấy, có khoảng 11.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động với kỳ hạn bình quân 3,3 năm trong tháng 8/2020.
Trong cơn bão Covid-19: Điểm sáng của thị trường nhà ở Hà Nội nằm ở ngoại thành
Hiện nay, thị trường nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn được đánh giá có nhiều triển vọng bởi nguồn cầu lớn. Tính đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 37%, thấp hơn so với các nước Đông Nam Á (50%) và Châu Á (51%). Tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai.
Dân số Việt Nam đạt 96 triệu người trong năm 2019 và dự kiến đạt 120 triệu vào năm 2050 với tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 57%. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số và được dự đoán sẽ lên mức 26% vào năm 2026. Tổng số hộ gia đình tăng 1,8% mỗi năm trong giai đoạn 2009 – 2019. Mỗi hộ dân trung bình có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người so với năm 2009.
Quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Riêng thị trường nhà ở tại Hà Nội, tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển của tương lai.
Nguyên nhân nữa là do nguồn cung dự án bất động sản trên thị trường hiện nay đang rất hạn chế do những vướng mắc về pháp lý từ năm 2019.
Mặt khác, những quỹ đất đẹp tại khu vực trung tâm thành phố hiện không nhiều, khách hàng mua nhà không có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm. Các dự án có vị trí đắc địa đều được phát triển ở phân khúc bất động sản cao cấp và định giá rất cao.
Quảng Ninh đề nghị chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất NƠXH tại KĐT phường Hà Khánh
Dự kiến, 4 tòa chung cư và một số khu vực thuộc dự án KĐT phường Hà Khánh (giai đoạn 1) sẽ được Tập đoàn FLC bố trí thêm 20% quỹ đất nhằm phát triển NƠXH trong thời gian tới, theo văn bản mới của sở Xây dựng Quảng Ninh.
Được biết 4 tòa chung cư này đã được Quảng Ninh chấp thuận cho phép bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; cũng như cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại đây từ năm 2019.
Đến ngày 12/6/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản về việc bố trí 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn TP Hạ Long do Tập đoàn FLC thực hiện. Với dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh (giai đoạn 1), quỹ đất này dự kiến sẽ được bố trí tại các tòa chung cư CT-01 (diện tích 2 ha) và lô đất O-III.21, O-III2.2 (diện tích 0,42 ha).
Do đó, chủ đầu tư cần rà soát lại các hợp đồng bán, cho thuê mua nhà trong tương lai tại 4 tòa chung cư CT – 01 để bố trí thêm 20% quỹ đất nhà ở xã hội theo văn bản nói trên.
Đồng thời, Sở Xây dựng Quảng Ninh cũng yêu cầu chủ đầu tư tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với khu chung cư (bao gồm cả tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) đến ngày 12/6/2020. Mục đích là nắm thông tin để xem xét đề xuất đầu tư nhà ở xã hội theo đề nghị của Tập đoàn FLC tại Văn bản số 461 ngày 30/7/2020.
‘Nở rộ’ chung cư mini, Sở Xây dựng có giải pháp bất ngờ
Thời gian gần đây, ở vùng ven TP.HCM xuất hiện tình trạng các công trình nhà ở riêng lẻ được các đầu nậu, cá nhân “hô biến” thành chung cư mini để bán, kinh doanh trái luật. Ưu điểm của loại hình này là căn hộ diện tích nhỏ, giá bán (thực chất là thuê) thấp, phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp.
Việc xây dựng loại hình chung cư mini này dẫn đến phát sinh xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực dân số lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và mất trật tự an toàn xã hội.
Tại quận Bình Tân, nhiều môi giới đang rao bán căn hộ chung cư mini Thanh Tùng nằm tại hẻm 33, đường Bến Lội, P.Bình Trị Đông A. Diện tích căn hộ từ 17 – 30m2, giá bán dao động từ 480 – 770 triệu đồng/căn.
Tại đây có 2 công trình nhà ở riêng lẻ được chủ sử dụng biến thành chung cư mini. Cụ thể, công trình do ông Phan Văn Nhi làm chủ đầu tư được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, quy mô 4 tầng và hầm.
Theo bản vẽ cấp phép, công trình có hành lang rộng 1,45m ở giữa 2 dãy phòng. Nhưng khi xây dựng, chủ đầu tư đã ngăn chia bên trong công trình thành 77 phòng, mỗi phòng đều có nhà vệ sinh, kệ xi măng, lắp thêm 1 thang máy. Hiện công trình đang thi công.
Hà Linh (tổng hợp)