Làm thế nào để không bị “ sập bẫy” lừa đảo khi mua nhà đất”?; Thị trường BĐS châu Á – Thái Bình Dương có thể hồi phục vào cuối năm 2021… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Làm thế nào để không bị “ sập bẫy” lừa đảo khi mua nhà đất”?
Dù nhiều người mua BĐS đã được cảnh báo nhưng việc dính bẫy các CĐT bán dự án “ma” vẫn diễn ra trên thị trường BĐS, nhất là ở phân khúc đất nền. Người mua BĐS cần làm gì để tránh những “bẫy lừa đảo” từ phía người bán?
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng, để không rơi vào bẫy lừa đảo thì thứ nhất, những người mua BĐS vùng ven nên thận trọng tính thanh khoản của thị trường. Vì đối với người mua nhà để đầu tư, sau thời gian họ cần bán để thu hồi vốn, chốt lời do đó, tính thanh khoản rất quan trọng.
Ảnh minh họa
Những dự án ở vùng ven có quy mô tương đối lớn lên đến hơn 100ha, nguồn cung tham gia thị trường rất là nhiều. Ở những đợt ra hàng kế tiếp, người mua hàng ở đợt đầu bán lại trên thị trường thứ cấp phải cạnh tranh với chính nhà đầu tư. Các chủ đầu tư thường có xu hướng mở bán đợt sau các căn hộ có vị trí đẹp hơn, giá bán cao hơn, trên thị trường thứ cấp sẽ cạnh tranh rất khốc liệt.
Thái Nguyên trong cơn lốc bất động sản: Cẩn trong sa lầy vào bẫy thanh khoản
Trong báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2017, Thái Nguyên bắt đầu được nhắc đến là một trong những thị trường địa phương mới nổi. Tiềm năng sẵn có kèm vị trí cách Hà Nội hơn 1 tiếng di chuyển bằng ô tô, sân chơi bất động sản tại Thái Nguyên đã không chỉ có sự tham gia của những nhà doanh nghiệp trong tỉnh mà còn có sự nhập cuộc của rất nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh.
Đến năm 2018, báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tiếp tục nhận định: Nhiều dự án phát triển bất động sản mới đã được triển khai rất mạnh tại Thái Nguyên. Sản phẩm chủ đạo tại tỉnh là nhà đất và đất nền.
Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại TP. Thái Nguyên, thống kê ghi nhận có tới gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự liền kề được chào bán trong nửa đầu năm 2018. Con số này tăng gấp rưỡi ở 9 tháng đầu năm 2019.
Nhìn lại khoảng thời gian ngắn từ 2017 – 2019, bất động sản Thái Nguyên đã có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng dự án với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa ốc như: Danko Group, DetechLand, Thiên Lộc, Tập đoàn TMS, FLC, Phúc Lộc, Xuân Trường, T&T, Apec… Một số doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trực tiếp vào thị trường bất động sản dù trước đó chỉ là “tay ngang” như Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (vốn kinh doanh trong lĩnh vực may mặc),…
Mua nhà mùa Covid-19: Nhanh tay kẻo lỡ?
Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế đã và đang phải chịu những tác động mạnh. Thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Nhiều quan điểm cho rằng, tâm lý bất định của người dân vẫn hiện hữu, tình trạng vắc-xin chưa chính thức có kết quả, việc hồi sức cấp tốc cho nền kinh tế và thị trường bất động sản trong ngắn hạn là khó. Điều này dẫn tới 2 nhóm tâm lý đối với tệp khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở: Một là đợi chờ giá nhà xuống; hai là thăm dò sự phục hồi của thị trường mới dám mạnh tay mua.
Ông Triệu Thái (một nhà đầu tư tại Hà Nội) cho biết: “Mua nhà để ở và để đầu tư cần có sự phân biệt rạch ròi khác nhau. Tâm lý bắt đáy bất động sản khiến nhiều người cố gắng đợi cho đến khi giá bất động sản giảm tối đa, nhất là khi các chuyên gia kinh tế đều dự đoán tình hình sẽ còn tệ hơn một chút từ nay cho đến đầu năm sau. Quan điểm của tôi, mua nhà để ở thì đây chính là cơ hội để lựa chọn, tìm kiếm một căn hợp lý vì giá cả nhiều nơi đã giảm. Còn nếu đầu tư, việc xuống tiền có thể đợi giá thị trường giảm xuống”.
Lý giải điều này, ông Triệu Thái phân tích, thời điểm hiện tại là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà để ở lựa chọn một căn phù hợp.
Thị trường BĐS châu Á – Thái Bình Dương có thể hồi phục vào cuối năm 2021
CBRE Việt Nam vừa có tổng quan dự đoán tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản. Theo Báo cáo đánh giá giữa năm về Triển vọng thị trường bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương của CBRE, hầu hết các mảng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, do những tác động từ đại dịch nên thị trường bất động sản thương mại sẽ hồi phục chậm hơn nền kinh tế nói chung.
Mặc dù tình trạng giãn cách xã hội cùng với những hạn chế trong việc đi lại đã được nới lỏng tại hầu hết các khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, mức độ hồi phục của các hoạt động kinh tế và thị trường bất động sản nhìn chung không đồng đều tại các nước. Theo như Chỉ số đo lường mức độ phục hồi của các nước do CBRE đánh giá dựa trên hoạt động kinh tế, vận tải, hoạt động mua sắm, giải trí, du lịch, làm việc; New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đang dẫn đầu.
CBRE dự kiến thị trường công nghiệp & kho vận sẽ phục hồi nhanh chóng khỏi sự suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra. Yếu tố kích cầu sẽ đến từ sự phát triển của mảng thương mại điện tử.
Hà Nội: Công bố 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu. Theo danh sách này, quận Hà Đông là một trong những quận có nhiều dự án nhất, gồm 4 dự án.
Cụ thể là: Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ căn hộ cao cấp và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu TTDV-01, Khu đô thị mới An Hưng (các phường La Khê và Dương Nội); Dự án khu nhà ở phường Kiến Hưng (phường Kiến Hưng); Công trình hỗn hợp ký hiệu HH thuộc Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu TTDV-01, Khu đô thị mới An Hưng; Dự án khu chung cư và thương mại – dịch vụ hỗn hợp Capitaland – Hoàng Thành tại Khu CT-08, Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao.
Quận Long Biên có 3 dự án nhà ở, gồm: Khu nhà ở chung cư cao tầng tại ô đất N015, N016 Khu đô thị mới Sài Đồng; Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở tại Khu bãi Ăng ten, phường Bồ Đề và Dự án khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Plaschem (phường Đức Giang).
Hà Linh (tổng hợp)