Hậu Covid-19, nhà đầu tư nên rót tiền vào phân khúc nào để kiếm lời?, thị trường khách sạn xoay xở huy động vốn… là những thông tin được quan tâm trong 24 qua.
Hậu Covid-19, nhà đầu tư nên rót tiền vào phân khúc nào để kiếm lời?
Theo đánh giá của một số công ty nghiên cứu bất động sản tại Việt Nam, kể từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường rơi vào cảnh trầm lắng.
Trong đó, nguồn cung, giao dịch thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đặc biệt, dịch bệnh còn khiến hàng trăm sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, các doanh nghiệp BĐS rơi vào tình cảnh khó khăn khi mất đi thanh khoản.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực trong tình cảnh khó khăn chung, đại dịch Covid-19 cũng mang lại một số tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong nước.
Trong đó, dịch Covid-19 đã “triệt tiêu” xu hướng đầu cơ, lướt sóng bất động sản và tạo ra làn sóng đầu tư dài hạn, giúp thị trường ổn định và bền vững hơn.
Trong thời gian qua, để kích thích thị trường trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều chủ đầu tư buộc phải tung ra nhiều chiêu khuyến mại như mua nhà tặng xe, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, hoặc tặng phí dịch vụ trong năm đầu,… trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, do áp lực về tài chính đè nặng, một số chủ đầu tư chấp nhận cắt lỗ, bán tháo một số sản phẩm bất động sản cao cấp để tạo ra tài chính, chi trả lương cho nhân viên. Điều này tạo cơ hội cho nhiều người có cơ hội mua nhà giá rẻ, sát với giá trị thực.
Khủng hoảng tiền mặt, thị trường khách sạn xoay xở huy động vốn
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều khách sạn lâm vào khủng hoảng tiền mặt, các chủ sở hữu phải tìm các giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường dòng tiền nhằm bù đắp chi phí.
Ông Adam Bury, Giám đốc bộ phận tư vấn và đầu tư khách sạn của Công ty JLL, cho biết hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng buộc các khách sạn phải tìm phương án huy động vốn ngắn hạn từ những đối tác có nguồn tài chính dồi dào. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới.
Tại châu Á, hãng nghiên cứu thị trường này ghi nhận một số khách sạn vẫn có công suất phòng đạt được yêu cầu nhờ vào việc cung cấp cơ sở cách ly hoặc nơi lưu trú nhằm hỗ trợ các biện pháp chống dịch của Chính phủ.
Bằng cách này, các khách sạn cố gắng duy trì hoạt động nhằm có thêm doanh thu bù vào chi phí để đạt được mức hòa vốn. Tuy nhiên, giải pháp này cũng rất khó để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với khoản vay.
Ngành khách sạn có tốc độ phản ứng rất nhanh với các cú sốc về nhu cầu và cũng là ngành sẽ có sự phục hồi đầu tiên. Vì vậy, các giải pháp tài chính ngắn hạn trên đang được áp dụng để thu hẹp sự chênh lệch dòng tiền cho đến khi nhu cầu về du lịch tăng trưởng trở lại.
Sửa đổi Luật Đất đai: “Đòn bẩy” cho doanh nghiệp hồi sinh sau Covid-19
Vừa qua, trong phiên họp thứ 44, UBTV Quốc hội đã chính thức rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình để có quá thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Nguyên nhân của việc lùi lại thời gian sửa đổi Luật Đất đai 2013 được cho là hiện nội dung của dự án luật còn có một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, đồng thời Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi luật tại thời điểm này sẽ có tác động lớn đến việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí mang theo nhiều kỳ vọng của xã hội, nên việc làm “một lần cho trăm năm” đang được mong chờ.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu “chững” lại, một trong những nguyên nhân là liên quan đến những khuôn khổ pháp lý, trong đó có chồng chéo vướng mắc về Luật Đất đai. Theo đó, hàng loạt các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư có dấu hiệu vi phạm đều bị thanh tra toàn diện. Vì vậy, rất nhiều dự án đang triển khai cũng phải dừng lại để phục công tác thanh tra.
Lập dự án “ma” phân lô bán nền trái phép: Hổng pháp lý hay vì “đi đêm”?
Thời gian gần đây, tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra mạnh mẽ. Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc phân lô bán nền đã khiến cho thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch. Hệ lụy của việc phân lô bán nền tràn lan là sự xuất hiện của những dự án ma, những dự án bán lúa non khi chưa đầy đủ hồ sơ cấp phép theo quy định. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ rủi ro đẩy thị trường rơi vào khủng hoảng khi việc đầu cơ gia tăng, không tạo ra giá trị sản xuất.
Thế nhưng, dù xuất hiện trong một thời gian dài với những bất cập và hệ lụy, tình trạng phân lô bán nền trái phép vẫn tiếp tục diễn ra.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phân lô bán nền tràn lan đến từ số ít doanh nghiệp địa ốc hám lợi nhuận, bất chấp pháp luật, tiến hành huy động vốn trái pháp luật thông qua hoạt động phân lô bán nền.
Theo tiết lộ của một vị lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội, nhiều chủ đầu tư đều thích về tỉnh lẻ để phân lô bán nền bởi lợi nhuận tốt, tính thanh khoản cao. Trong khi đó, thời gian vừa qua, các tỉnh lẻ đều có chính sách thu hút nhà đầu tư, nới lỏng các quy định.
Náo nhiệt cuộc săn quỹ đất
Trái với diễn biến ảm đạm của thị trường, hoạt động mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức vẫn đang có sóng ngầm suốt thời gian dịch bệnh và được nhận định là sẽ sớm bung ra trong thời gian tới khi thị trường bắt đầu hồi phục trở lại sau dịch Covid-19.
Đối với dự án đất xây dựng, bối cảnh hiện nay làm chậm quá trình xin giấy phép từ giai đoạn xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc cho đến cấp giấy phép xây dựng. Nếu không kịp thời đẩy nhanh quy trình và tiến độ trong việc triển khai các bước trên sẽ kéo dài thời gian đọng vốn của chủ đầu tư khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng cạn kiệt về tài chính, lại không thể bán chuyển nhượng giao dịch khi giấy phép chưa hoàn tất.
Vì vậy, thay vì tự phát triển quỹ đất thì M&A các dự án giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian thủ tục pháp lý cũng như giải tỏa mặt bằng. Phát triển dự án mới có khi mất cả năm trời và nhiều khi mất luôn cơ hội thị trường. M&A cũng giúp doanh nghiệp dễ lựa chọn các dự án tại các vị trí đẹp, quỹ đất lớn, có hạ tầng dân sinh phát triển.
Hà Linh (tổng hợp)