Đấu giá hàng loạt khu đất ở Thủ Thiêm; Nhân viên ngân hàng chật vật tìm khách vay mua bất động sản; Vốn ngoại vào bất động sản tụt xuống vị trí thứ ba… là tin tức đáng quan tâm 24h qua.
Đấu giá hàng loạt khu đất ở Thủ Thiêm
TP. HCM đã và đang lên kế hoạch bán tổng cộng 61 lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn lực đầu tư, hoàn trả số tiền tạm ứng từ ngân sách
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), cho hay theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ở KĐTMTT có 55 lô đất còn lại phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, qua rà soát, TP thu 6 lô đất (diện tích 314.000 m2 đã giao cho một nhà đầu tư) ở khu chức năng 2C do không thực hiện dự án. Do vậy, KĐTMTT có tổng cộng 61 lô được đem bán đấu giá lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Trước đó, vào tháng 5-2020, UBND TP cũng chấp thuận đề xuất của Sở TN-MT về phương án đấu giá tài sản tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất tại các lô đất R1, R2, R3 thuộc khu 38,4 ha (khu đất tái định cư nằm trong dự án KĐTMTT), phường Bình Khánh, quận 2. Theo Sở TN-MT, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước là 20% giá khởi điểm của giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản khác gắn liền với đất và nộp vào tài khoản ngân hàng theo quy định, không áp dụng thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Phương thức đấu giá là trả giá lên; đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá.
Nhân viên ngân hàng chật vật tìm khách vay mua bất động sản
Đã gần hết tháng 8 nhưng Ngọc – nhân viên kinh doanh của một ngân hàng tư nhân nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thành 50% chỉ tiêu đặt ra về số lượng khách hàng vay vốn.
Đối tượng mà Ngọc nhắm tới là những khách hàng vay mua bất động sản như chung cư, nhà phố, đất nền, đất thổ cư. Dù phía ngân hàng đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi như lãi suất chỉ 7%/năm đầu tiên và biên độ lãi suất dao động khoảng 3% trong những năm tiếp theo, không mất phí trả trước,… nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà.
Ngọc kể: “Tháng này khả năng cao là sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. Tôi cũng đã kết nối với các sàn giao dịch bất động sản nhưng tìm khách vay rất khó. Vì ngay đến cả các sàn, khách mua đi bán lại cũng thấp. Ngân hàng hiện tôi đang làm trước đó chỉ hướng tới khách hàng là doanh nghiệp lớn. Nhưng khi kinh tế khó khăn, ngân hàng buộc phải gia tăng các chương trình cho khách lẻ. Thực tế, chỉ cho vay mua bất động sản là có thể đảm bảo được nguồn lợi nhuận ít ỏi về cho ngân hàng”.
Thái Nguyên trong cơn lốc bất động sản: Cảnh báo trượt vào “vết xe đổ” của Hà Nội
Trong làn sóng trải thảm đỏ thu hút doanh nghiệp về đầu tư của các địa phương, bất động sản là một trong những lĩnh vực nhận được sự tham gia ồ ạt hơn cả. Khi quỹ đất của các đô thị lớn ngày càng thu hẹp lại, doanh nghiệp địa ốc đổ bộ về các tỉnh vùng ven và còn nhiều tiềm năng, chớp thời cơ với những ưu đãi đặc biệt của chính quyền địa phương để thu gom quỹ đất, xây dựng dự án. Cuộc chơi của thị trường bất động sản ở các địa phương được đánh giá đã diễn ra với tốc độ quá nhanh và nguy hiểm.
Và phía sau “cơn say” ấy có thể để lại một thực tế đáng buồn. Thị trường tăng trưởng quá nóng, hiện tượng đầu cơ, thổi giá, những đợt sốt ảo tạo nên một mặt bằng giá mới vượt quá xa ngưỡng thu nhập và khả năng thanh toán của người dân địa phương. Bức tranh đô thị trở nên xộc xệch, quỹ đất cạn kiệt, quy hoạch bị “băm nát”, hạ tầng ngổn ngang và kéo theo rất nhiều hệ luỵ về phát triển kinh tế – xã hội.
Nung nấu muốn thoát khỏi cái bóng của một tỉnh công nghiệp, là trung tâm của khu vực trung du miền núi phía Bắc nhưng ì ạch trong cuộc đổi mới về phát triển đô thị, nhiệm kỳ vừa qua (2015 – 2020), Thái Nguyên đã bắt đầu dốc lực “thay da đổi thịt” bằng cách triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông và “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư.
Trong cuộc viễn chinh mở rộng thị trường về tỉnh lẻ, Thái Nguyên trở thành cái tên được giới địa ốc đặc biệt quan tâm. Miền đất hứa này đã có sự xuất hiện của rất nhiều dự án với những tên tuổi nổi bật như: Danko Group, DetechLand, Thiên Lộc, Tập đoàn TMS, FLC, Phúc Lộc, Xuân Trường, T&T, Apec…
Thậm chí, một số doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh, vốn chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng đi nước cờ quan trọng tham gia vào thị trường sôi động này như: Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (vốn kinh doanh trong lĩnh vực may mặc),…
Vốn ngoại vào bất động sản tụt xuống vị trí thứ ba
Nếu trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực kinh doanh bất động sản thường xuyên đứng ở vị trí thứ 2 về việc thu hút vốn ngoại thì những tháng gần đây đã không còn giữ được…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo này, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), giảm 25,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư tăng chủ yếu vẫn là do dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới.
Trái phiếu bất động sản đang “chất lượng” hơn?
Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý II/2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, tăng 69,7% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước và bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong 2019. Quy mô thị trường TPDN tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019 lên mức 791 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP.
Xét tỷ trọng phát hành theo ngành, ngành bất động sản vượt lên dẫn đầu với tổng cộng 71,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5%. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 47,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong quý II/2020, tăng gần gấp đôi so với lượng phát hành quý I/2020 và cùng kỳ 2019. Lũy kế của 6 tháng đầu năm 2020, có 71,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, tăng +57,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Top 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất là CTCP Vinhomes (12 nghìn tỷ đồng), CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings (9,7 nghìn tỷ đồng) và Tập đoàn Sovico (9 nghìn tỷ đồng). Như vậy so với giai đoạn trước, trái phiếu bất động sản thời điểm này tập trung lượng lớn từ những doanh nghiệp uy tín. Đó cũng là điều dễ hiểu vì thị trường đã có những bài học cảnh báo độ rủi ro của trái phiếu phát hành bởi những doanh nghiệp “vô danh” hoặc dự án ảo…
Thùy Anh (tổng hợp)