Đắt như đất phố cổ Hà Nội: Khu vực xung quanh phố đi bộ giá trung bình hơn 540 triệu đồng/m2; Vốn trái phiếu cho bất động sản: Ai có thể làm xịt quả bom?… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Đắt như đất phố cổ Hà Nội: Khu vực xung quanh phố đi bộ giá trung bình hơn 540 triệu đồng/m2
Theo báo cáo của công ty chuyên nghiên cứu về mặt bằng giá đất Gachvang, mức giá bình quân tại các khu vực xung quanh phố đi bộ Hà Nội đang là 541,6 triệu đồng/m2.
Ở một số tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, mức giá dao động ở mức 500-800 triệu đồng/m2, thậm chí, có nơi lên đến hơn 1 tỷ đồng/m2. Công ty đánh giá: “Giá đất này có thể so sánh ngang ngửa với đất tại các thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới như New York, Paris hay Tokyo”.
Khảo sát của trang batdongsan.com.vn năm 2019 ghi nhận giá bất động sản rao bán tại Hà Nội tăng 6%.
Trong số các quận, huyện của Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có mức tăng trung bình cao nhất tới 17%, với mức giá từ khoảng 400 triệu đồng/m2 năm 2015, tăng chạm mức 500-800 triệu đồng/m2 vào năm 2019. Trong khi đó, các quận còn lại, mức tăng dao động từ 7-15%.
Tiếp đến là khu vực Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Láng thuộc quận Đống Đa cũng có mức tăng giá tương tự, trung bình từ 10-16%, tương đương giá giao dịch tại thời điểm hiện tại trung bình từ 350-600 triệu/m2.
Vốn trái phiếu cho bất động sản: Ai có thể làm xịt quả bom?
Trái phiếu đang là kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản. Dù nở rộ từ 2 – 3 năm trở lại đây nhưng loại hình huy động vốn này đã phổ biến trên thế giới. Khi vào thị trường Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp trở thành phao cứu sinh cho thị trường bất động sản và ngân hàng. Bởi đúng thời điểm ngân hàng thiếu vốn, cần tăng tín dụng và lợi nhuận, doanh nghiệp bất động sản đã “kín room” vay tiền ngân hàng. Bởi vì lợi đôi đường nên ngân hàng và bất động sản bắt tay nhau “biến” trái phiếu trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn tiền gửi ngân hàng. Cũng từ cái bắt tay đó đã phát sinh ra nhiều rủi ro cho thị trường trái phiếu.
Năm 2019, hoạt động trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong đó 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% (tương đương lãi suất ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Quý I/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 20.474 tỷ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 9,8%/năm, giảm hơn so với năm 2019 nhưng vẫn khá cao so với lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Còn theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, cho thấy tính đến 31/12/2019 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 521.822 tỷ đồng, tăng 12,82% so với năm 2018. Tính đến tháng 2/2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 531.000 tỷ đồng.
56% doanh nghiệp xây dựng thấy khó khăn hơn trong nửa cuối 2020
Báo cáo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý II và dự báo quý III/2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, đa số doanh nghiệp đều nhận định tình hình kinh doanh không khả quan.
Cụ thể, trong quý II/2020 có hơn 6.600 doanh nghiệp được chọn khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia trả lời đạt 89,2%. Trong bức tranh chung của nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước với những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, những kết quả kém tích cực của hoạt động kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Đối với doanh nghiệp ngành xây dựng, trong quý II/2020 có 11,3% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 24,9% đánh giá giữ ổn định và 63,8% cho rằng khó khăn hơn so với quý I/2020. Dự báo quý III/2020 có 16,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 27,3% nhận định giữ ổn định và 56,4% đánh giá khó khăn hơn.
Theo hình thức sở hữu, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước khả quan hơn so với hai khu vực còn lại với 11,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2020 tốt hơn so với quý I/2020, 24,5% nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 63,9% cho rằng hoạt động khó khăn hơn.
Xây dựng hàng loạt công trình sai phạm, dự án Vita Riverside bị xử phạt 40 triệu đồng
hanh tra Sở Xây dựng Bình Dương vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc, chủ đầu tư dự án khu nhà ở Tuấn Điền Phúc (tên thương mại Vita Riverside) 40 triệu đồng, vì chủ đầu tư thi công công trình không có giấy phép xây dựng.
Công bố trong văn bản xử phạt mới đây của Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương, Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc đã xây lụi hàng loạt công trình không phép ở dự án khu nhà ở Tuấn Điền Phúc. Hạng mục công trình vi phạm là công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Tuấn Điền Phúc.
Các công trình xây dựng trái phép bao gồm: Đường D1 (272mx7m); D2 (141mx6m); Đường D3 (92mx6m); Đường N1 (35mx6m); Đường N2 (34mx6m); Đường N3 (95mx6m); Đường N4 (89mx6m); Đường N5 (37mx6m); Đường N6 (141mx6m). Hiện trạng đang thi công nền đá, vỉa hè, khối lượng xây dựng ước đạt 60%.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc còn ngang nhiên xây dựng, thi công xong phần ống hệ thống điện, đường ống nước, hố ga mà không cần xin phép của cơ quan chức năng. Khối lượng xây dựng các hạng mục trên ước đạt khoảng 80%.
Giá nhà vẫn có xu hướng tăng bất chấp tình hình kinh tế chưa ổn định
Đại diện JLL Việt Nam vừa cho biết, nguồn cung căn hộ được chào bán ở TP.HCM trong quý II cao gần gấp đôi so với quý I/2020 với 3.820 căn.
Tuy nhiên, JLL cũng vẫn lưu ý, lượng cung này chỉ bằng một phần ba so với mức trung bình hàng quý trong giai đoạn bùng nổ 2017-2018, vì những lo ngại về pháp lý tiếp tục là chủ đề nóng của thành phố.
Về lượng căn hộ bán được trong quý II, JLL cho biết, con số này đạt 3.855 căn, gần tương đương cùng kỳ năm trước nhưng cao gấp đôi so với quý I/2020. Phần lớn các giao dịch đã thực hiện từ trước đại dịch và được tiến hành ký hợp đồng mua bán trong quý này.
Nhu cầu chủ yếu là mua để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch. Đối với thị trường đầu tư, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng và do dự trong việc xuống tiền trong bối cảnh xuất hiện những bất ổn về tài chính, vì nguy cơ sa thải và cắt giảm lương vẫn còn tiếp diễn.
Đáng lưu ý, JLL cho biết, giá bán vẫn có xu hướng tăng bất chấp tình hình kinh tế chưa ổn định. Dưới tác động của Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã có những ưu đãi như gia hạn lịch thanh toán cho khách. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lành mạnh từ thị trường, phần lớn các dự án đều ghi nhận mức giá tăng nhẹ từ 1-3% so với quý trước.
Hà Linh (tổng hợp)