Có nên mua nhà lúc này?; Covid-19 là “cú bồi” khiến thị trường bất động sản chật vật về vốn… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Có nên mua nhà lúc này?
Sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát thì việc tăng giá bán liên tục không còn là cách mà các doanh nghiệp áp dụng. Giá chững lại thì cơ hội mua nhà an cư của khách hàng ở thực trở nên thuận lợi hơn?
Mặc dù giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng lên, không giảm trên diện rộng nhưng một điều dễ nhận thấy là ở hầu hết các phân khúc, giá BĐS đang có dấu hiệu chững lại, không tăng liên tục như thời gian trước đó. Đây cũng chính là lúc mà dòng tiền mua nhà ở thực cũng thể hiện rõ nét trên thị trường.
Bởi, những đối tượng khách mua nhà để ở nhắm lúc giá ít biến động, thị trường trầm lắng sẽ vào thị trường để tìm được nhà có mức giá chuẩn.
Ảnh minh họa
Theo một môi giới sống tại Q.9, sau đợt dịch lần 1, người mua ở thực đi xem đất áp đảo NĐT. Khi dịch tái bùng phát, lượng người mua nhà để ở gọi điện tìm hiểu nhà đất cũng nhỉnh hơn NĐT. Điều đầu tiên họ quan tâm là giá cả. Có thể miếng đất đó họ đã nhắm từ trước nhưng do giá biến động liên tục nên chưa mua. Đến nay khi thị trường chững lại, họ có thể thương lượng với chủ nhà với giá thấp hơn. “Vì thế, hầu hết những nền đất mà bán ra được trong thời điểm dịch bùng phát là đến từ người mua ở thực”, môi giới này cho biết.
Doanh nghiệp bất động sản kinh doanh ra sao trong mùa dịch?
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam có kết quả kinh doanh không được tốt trong quý II/2020.
Trong thời gian đầu của quý II, dịch bệnh Covid-19 khiến Việt Nam phải sử dụng biện pháp cách ly xã hội đã tác động rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thay đổi nhu cầu của khách hàng. Rất nhiều đơn vị, thậm chí là các doanh nghiệp lớn rơi vào cảnh thua lỗ trong quý II.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng không phải ngoại lệ trước tình trạng chung của nền kinh tế. Thống kê 90 doanh nghiệp ngành bất động sản đang niêm yết trên 2 sàn HoSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM, tổng doanh thu thuần chỉ đạt 65.000 tỷ đồng, giảm đến 32% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần giảm 26,5% xuống 114.429 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế của 90 doanh nghiệp này trong quý II đạt 8.200 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 28% còn 17.386 tỷ đồng.
Trong 90 doanh nghiệp bất động sản nói trên có 18 đơn vị báo lỗ trong quý II. Cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách các doanh nghiệp báo lỗ là Tập đoàn FLC (MCK: FLC). Đơn vị này trong quý II tiếp tục báo lỗ khủng với 838 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 16 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, FLC lỗ đến 2.729 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng. FLC cũng là doanh nghiệp có mức lỗ “khủng” nhất trong nhóm bất động sản ở cả quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
Thị trường bất động sản gặp sóng gió, tìm nơi đâu cơ hội đầu tư?
Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại tác động đến tất cả các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản. Đứng trước “sóng gió”, bất động sản khu vực nào sẽ có khả năng là chỗ trú an toàn cho dòng tiền?
Chưa kịp bán được hàng sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, anh Đức Kiên trú tại Đống Đa (Hà Nội) và mốt số nhà đầu tư khác lại tiếp tục mắc kẹt vì làn sóng Covid-19 thứ hai. Cứ ngỡ dịch bệnh sẽ khó quay trở lại khi cả nước gần 100 ngày không có ca mắc, anh Kiên rất vui mừng vì vừa bán sang tay được 1 căn hộ chung cư ở Cầu Giấy mắc kẹt sau bao ngày. Tuy nhiên, anh còn một vài căn chung cư và dăm ba mảnh đất nền tại dự án ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên vẫn nằm im bất động.
Như ngồi trên đống lửa, khi lãi suất ngân hàng anh vay thời điểm đầu tư khá cao, nay không thoát được hàng, nếu bán được cũng cầm chắc lỗ trong tay, nhưng nếu không thoát được thì có lẽ anh mất cả 1 – 2 căn hộ.
Tương tự, chị Trần Ánh, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ, chị còn 2 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Bình Thuận và Phú Yên bị mắc kẹt từ làn sóng đại dịch lần thứ nhất. Sau khi hết làn sóng thứ nhất, chị cũng nhanh chóng nhờ các sàn giao dịch tại khu vực đó đẩy hàng, nhưng không thể đẩy được, vì nhiều nhà đầu tư khác cũng lo ngại không dám xuống tiền khi dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, khách nước ngoài chưa có, khách trong nước vẫn còn dè chừng…
Covid-19 là “cú bồi” khiến thị trường bất động sản chật vật về vốn
Từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản đứng trước thách thức lớn về vốn khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp siết chặt tín dụng theo đúng lộ trình. Lãi suất cho vay bắt đầu được đẩy lên ở mức cao 11 – 12%/năm; nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… Song, bước sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát 2 lần trở thành “cú bồi” khiến việc huy động vốn vào thị trường này khó khăn hơn.
ịch bệnh Covid-19 bùng phát là “cú bồi” khiến việc huy động vốn của thị trường bất động sản càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Mới đây, trong báo cáo quý II/2020, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/3/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 526.396 tỷ đồng, giảm 0,87% so với hết tháng 2/2020.
Như vậy, từ cuối năm 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020.
Giá thuê tăng, doanh nghiệp nắm quỹ đất lớn tại KCN có nhiều lợi thế
Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự đoán nhu cầu cho thuê đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn và sẵn sàng khai thác có nhiều cơ hội.
Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết giá cho thuê bình quân tại khu công nghiệp tăng 10% so với cuối năm 2019. Những doanh nghiệp đang nắm quỹ đất lớn có triển vọng tích cực.
Theo đó, Kinh Bắc (KBC) và Viglacera (VGC) có quỹ đất sẵn sàng cho thuê tương ứng là 900 ha và 1.150 ha tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn nhu cầu thuê của các doanh nghiệp điện tử, sản xuất phụ tùng và linh kiện.
Tại miền Nam, Becamex (BCM) và Cao su Phước Hoà (PHR) sở hữu quỹ đất công nghiệp rộng hơn 1.000 ha, nằm chủ yếu ở tỉnh Bình Dương. Khách thuê chính là các doanh nghiệp gỗ, bao gồm cả trong nước và FDI. Ngoài ra, cơ cấu khách thuê cũng rất đa dạng đến từ nhiều ngành bao gồm vận tải, điện, cơ khí, gỗ và hàng tiêu dùng.
Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (SZC) cũng được đánh giá có triển vọng tích cực nhờ quỹ đất có thể cho thuê gần 900 ha tại khu công nghiệp Châu Đức.
Hà Linh (tổng hợp)