Chuyên gia dự báo bất ngờ về giá bất động sản thời gian tới; Bất động sản 2021 & sự trỗi dậy của những thị trường mới… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Chuyên gia dự báo bất ngờ về giá bất động sản thời gian tới
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, ở thị trường sơ cấp khó có sự giảm giá mạnh, trong thời gian tới có thể giá tăng nhưng mức tăng chậm hơn so với các năm trước.
Ghi nhận cho thấy, giá BĐS trên thị trường thứ cấp có hiện tượng giảm cục bộ ở một số loại hình, ngược lại giá sơ cấp (chủ đầu tư bán ra) vẫn đà tăng lên, chưa có dấu hiệu giảm giá hay đi ngang.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nhưng giá BĐS vẫn không giảm, là bởi nguồn cung thị trường từ năm 2019 đã giảm mạnh nhưng nhu cầu thị trường vẫn tăng.
Bước sang đầu năm 2020 xu hướng nguồn cung giảm do các dự án bị kẹt pháp lý, tuy nhiên, nhu cầu thị trường cao. Khi dịch bệnh bùng phát khiến các dự án không triển khai được do việc thực hiện giãn cách xã hội, ít dự án được mở bán. Nhưng nhu cầu nhà ở luôn cao nên các chủ đầu tư vẫn duy trì mức bán do mức hấp thụ cao.
Thị trường bất động sản đã sôi động trở lại hay chỉ là lời đồn?
Thị trường bất động sản đã hồi phục và bắt đầu sôi động trở lại. Giới chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối năm là thời điểm vào “mùa” của bất động sản.
Đã khoảng 2 tuần, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng. Nhịp sống dần trở lại bình thường. Thị trường bất động sản đã sẵn sàng đón loạt nguồn cung mới tung hàng giai đoạn này.
Cụ thể, tại Hà Nội, đầu quý IV/2020, Him Lam Land sẽ tung ra thị trường dự án Him Lam Vạn Phúc với quy mô 222 căn shophouse nằm trên mặt phố Nguyễn Thanh Bình (Tố Hữu, Vạn Phúc, Hà Đông). Được biết, các sản phẩm tại dự án đã xây dựng gần như xong mới được tung ra thị trường.
Đối với Vingroup, tập đoàn này sẽ ra mắt dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng vào cuối năm 2020 với các sản phẩm shophouse, liền kề, biệt thự. Hiện dự án này mới đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy tờ và chưa được xây dựng.
Cùng với 2 ông lớn này, các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo giai đoạn cuối năm khu vực Hoài Đức, Hà Đông, Hoàng Mai… sẽ đón thêm các sản phẩm liền kề, biệt thự và thêm một số sản phẩm từ các dự án cũ hiện hữu.
Trong tương lai 3 – 5 năm tới, thị trường sẽ đón nhận thêm một số dự án quy mô lớn được ra mắt trong thời gian tới như Sumitor Smart City Đông Anh, Xuân Mai Smart City Chương Mỹ hay Vinhomes Hoà Lạc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Với tình hình thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng như thời điểm hiện tại, cùng dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội sẽ còn sôi động và phát triển bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới”.
Cùng quan điểm với ông Đính, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù đại dịch khiến nền kinh tế phát triển chậm lại và gia tăng sự thận trọng của người mua, nhưng với sự khan hiếm nguồn cung cùng quỹ đất trung tâm, phân khúc nhà liền đất tại các đô thị lớn sẽ phục hồi vào cuối năm 2020. Đặc biệt, thị trường sẽ chứng kiến đợt tăng giá mới từ các dự án hiện hữu trên thị trường.
Bất động sản 2021 & sự trỗi dậy của những thị trường mới nổi
Trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu, thì ngay tại Việt Nam, một làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng đang xuôi chiều, lan tỏa dần ra các khu vực tỉnh thành ven trung tâm, khi mà quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày một khan hiếm.
Có lẽ, đại dịch Covid-19 chỉ là một phần nguyên nhân “bẻ lái” của nhà đầu tư, bởi, ngay từ giai đoạn 2017 – 2018, nhiều chuyên gia đã dự báo về xu hướng đầu tư ly tâm trong bối cảnh thị trường truyền thống ngày càng trở nên chật hẹp.
Thời kỳ đầu, nhen nhóm một vài nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm về các tỉnh vùng ven để gom đất bởi giá rẻ, quỹ đất dồi dào. Sau đó, sức nóng đã nhanh chóng lan tỏa, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác nhập cuộc, ồ ạt săn đất dự án tại các địa phương ven đô Hà Nội như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, xa hơn là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định…
Và đến nay, những tên tuổi tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã phủ khắp tỉnh thành vùng ven – nơi có tiềm năng sinh lời và họ đã đến khi thị trường bất động sản còn nguyên sơ, đó là loạt dự án của Vingroup tại Quảng Ninh, Nam Định, Cần Thơ; là loạt dự án của Sun Group tại Hạ Long, Thanh Hóa, Phú Quốc; dự án của Tập đoàn FLC tại Hạ Long, Thanh Hóa, Quy Nhơn… Những dự án ấy không chỉ thổi luồng sinh khí mới cho bất động sản khu vực tỉnh mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của mỗi địa phương từng ngày từng giờ.
Liệu chăng, với sự trỗi dậy của những vùng đất mới, 2021 sẽ là một năm đột phá của nhà đầu tư và một thị trường bất động sản với đầy kinh nghiệm, vững vàng hơn sau giai đoạn “thử lửa” của dịch bệnh, của áp lực chủ quan cũng như khách quan?
Tư duy đám đông khiến nghỉ dưỡng ven đô “sớm nở tối tàn”
Không được hình thành sớm và phát triển mạnh như bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, nhưng ngay từ khi ra đời, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô lại tạo nên một cơn sốt đột biến rất đáng chú ý.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đánh giá: “Việc phát triển du lịch ven đô sẽ trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh các khu đô thị bị áp lực về môi trường, cuộc sống và không ít người cần có thời gian ngắn với chi phí thấp để giải quyết các vấn đề này. Nhu cầu nghỉ ngơi, xả stress và tìm đến các khu nghỉ dưỡng ven đô trong tương lai sẽ được coi trọng không kém gì nhu cầu ăn uống”.
Với số dân ngày càng tăng, lượng phương tiện giao thông ngày càng nhiều, ô nhiễm môi trường ngày một đáng lo thì việc các gia đình trung lưu và thượng lưu có nhu cầu thoát nội, hướng ngoại để nghỉ dưỡng là điều tất yếu. Không thể đi quá xa thành phố thì các vùng ven đô như Hòa Bình, Sóc Sơn, Hòa Lạc, Ba Vì là những địa điểm đáng chú ý hàng đầu khi ở ngay sát Hà Nội.
Theo con mắt của các chủ đầu tư, tại thị trường phía Bắc, Hòa Bình đang được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Ông Phạm Văn Tuyên, Giám đốc điều phối hoạt động kinh doanh Công ty Cổ phần nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết: “Chúng tôi chọn Hòa Bình để thực hiện dự án vì địa điểm ngay gần Hà Nội, thuận lợi cho việc di chuyển, thêm vào đó là cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu trong lành. Đặc biệt, Hòa Bình có nét độc đáo của văn hóa Mường, là điểm thuận lợi thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng”.
Giá bất động sản Đà Nẵng giảm nhưng không nhiều
Sau thời gian “sốt” hầm hập, từ cuối 2019 thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu chững lại và rơi vào tình trạng trầm lắng.
Dịch Covid-19 lần 2 trở lại như một cú đấm bồi khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng càng trở nên ảm đạm hơn, rất ít có giao dịch.
Nếu như thời điểm sốt đất, các ki-ốt giao dịch bất động sản mọc lên như nấm thì nay các ki-ốt hầu như đều cửa đóng then cài. Các văn phòng giao dịch bất động sản mở cửa nhưng hầu như không có khách.
Anh Trần Phước Hùng, Văn phòng giao dịch bất động sản Tâm Thảnh Thơi cho biết, thời điểm này, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng có giao dịch nhưng rất ít, chỉ những người thực sự có nhu cầu, có tài chính sẵn mới mua đất.
“Hôm qua tôi vừa bán được một lô, khách hàng là hai vợ chồng có nhu cầu về nhà ở. Bình thường phải mất từ 1 tuần đến 15 ngày để khách chuẩn bị tiền rồi ra công chứng nhưng trường hợp khách này họ có tiền sẵn, chỉ cần 5 ngày là ra công chứng”, anh Hùng nói và cho biết, hai tháng nay văn phòng anh mới bán được 2 lô đất.
Hà Linh (tổng hợp)